Năm 2020

Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: với đội ngũ các nhà khoa học mạnh cả về số lượng và chất lượng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của CNTT&TT, Trường hiện đang có nhiều tiềm năng để phát triển nghiên cứu khoa học, với định hướng: (i) hướng tới các chuẩn mực quốc tế, (ii) gắn kết với đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và quan trọng hơn hết, (iii) tạo ra các sản phẩm nghiên cứu chất lượng phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong những năm gần đây, Trường đã có những thành tựu khoa học công nghệ nổi bật, điển hình: số lượng bài ISI-Scopus năm 2019 tăng gấp đôi so với năm 2018; cán bộ Viện liên tục đạt các giải thưởng KHCN uy tín như: Giải Nhân tài Đất Việt, Giải Quả cầu vàng; và đặc biệt kinh phí nghiên cứu khoa học thu hút được luôn năm sau cao hơn năm trước, với nguồn kinh phí đa dạng và rất cạnh tranh như: Chương trình KC, Nghị Định thư, Đề tài Độc lập Cấp Nhà nước, Đề tài NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ; Đề tài Cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đề tài/Dự án tài trợ bởi các quỹ VinIF, VinTech của Tập đoàn VinGroup; Đề tài hợp tác quốc tế tài trợ bởi Horizon 2020, ERASMUS, US Army, Samsung, IBM… Riêng năm 2019, Trường đã thu hút được 35 tỷ tiền tài trợ nghiên cứu khoa học.

Một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ Trường đã và đang có được chỗ đứng trên thị trường, và có những sản phẩm đã đi vào lịch sử phát triển CNTT nước nhà:

  • Phần mềm soạn thảo văn bản BKED, được phát triển bởi TS. Quách Tuấn Ngọc, khi đang là cán bộ giảng dạy của Khoa CNTT: đây là một trong những phần mềm soạn thảo văn bản Tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam.
  • Phần mềm diệt virus máy tính BKAV, được phát triển bởi ThS. Nguyễn Tử Quảng, cán bộ giảng dạy Bộ môn Kỹ thuật Máy tính: đây là một trong những phần mềm diệt virus nổi tiếng, và phổ biến nhất tại Việt Nam.
  • Hệ thống định vị độ chính xác cao NAVISTAR, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm NAVIS, dẫn đầu bởi PGS. Tạ Hải Tùng, và PGS. Lã Thế Vinh. Sản phẩm đã được Giải nhất Nhân tài Đất Việt 2015, và hiện đang được chuyển giao công nghệ đến nhiều đơn vị trong cả nước.
  • Hệ thống tổng hợp tiếng nói Vbee, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Bộ môn Công nghệ Phần mềm. Sản phẩm đã được Giải nhất Nhân tài Đất Việt 2018, và hiện đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu hướng tới chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (startups, spinoffs), Trường đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, một đơn vị hỗ trợ và là đầu mối các hoạt động hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp của Viện.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đã 10 năm nay Trường tổ chức liên tục SoICT – Symposium On Information and Communication Technology – một hội thảo quốc tế về CNTT&TT đang ngày càng khẳng định được uy tín trong cộng đồng khoa học. Với 160 công trình của các nhà khoa học đến từ 28 nước trên khắp TG: Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc… gửi bài đến Hội thảo, với 6 keynotes của các nhà KH hàng đầu TG, với kỷ yếu được Hiệp hội Máy tính Hoa Kỳ (ACM), WoS (ISI), Scopus lưu trữ và đánh chỉ mục, SoICT đã là hội thảo quốc tế về ICT lớn nhất Việt Nam được tổ chức liên tục hàng năm.