Đào tạo

Giới thiệu trung tâm

Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu, Phát triển, và Chuyển giao Công nghệ (Trung tâm Đổi mới Sáng tạo) ra đời tháng 3/2019 thể hiện quyết tâm của Trường CNTT&TT trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với thực tiễn, và tận dụng tối đa nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển Trường. Trung tâm ra đời cũng góp phần hỗ trợ Trường trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực NCKH, chia sẻ tài nguyên, cơ sở vật chất giữa các nhóm nghiên cứu trong Trường. Phối hợp với các phòng ban, đơn vị chức năng của Trường ĐHBK Hà Nội, Trung tâm cũng tham gia vào việc tư vấn, hỗ trợ cán bộ và sinh viên CNTT trong việc tìm hiểu cơ hội khởi nghiệp sáng tạo sao cho vừa phù hợp với chính sách của Nhà nước, của Trường, vừa có cơ hội nhanh chóng đưa được các sản phẩm NCKH đến tới thị trường.

Nhiệm vụ chính:

  • Hỗ trợ Trường trong quản lý các phòng thí nghiệm nghiên cứu, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu;
  • Hỗ trợ triển khai các hoạt động R&D gắn kết với thực tiễn, tạo điều kiện đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học đến với thị trường;
  • Tìm nguồn kinh phí tài trợ NCKH, CGCN, và học bổng từ doanh nghiệp, và các tổ chức trong và ngoài nước cho cán bộ và sinh viên của Trường;
  • Tìm hiểu, và xây dựng kế hoạch triển khai đáp ứng nhu cầu về ĐT, NCKH, CGCN của các doanh nghiệp;
  • Hỗ trợ, tư vấn cho cán bộ và sinh viện đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (“spin-off”, và “startup”), trong kết nối với các chính sách của Trường và quy định của pháp luật.

Các mảng công tác trọng tâm: 

Hỗ trợ Đào tạo:

  • Triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn, hướng mạnh đến nhu cầu của thị trường, với nguồn “khách hàng” là các cơ quan, tổ chức, tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ KHCN của các cán bộ quản lý trung và cao cấp;
  • Phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức các khóa đào tạo sinh viên theo định hướng thì trường: đào tạo kỹ năng, đào tạo “fresher” … nhằm giúp sinh viên có đủ kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp ngay từ khi trên ghế Nhà trường.

Hỗ trợ Nghiên cứu:

  • Quản lý không gian làm việc chung (co-working space) cho các nhóm nghiên cứu tiềm năng, với cơ chế mềm dẻo, nhưng đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực (cơ sở vật chất, diện tích (số bàn), chi phí…) dựa trên hiệu quả hoạt động;
  • Mở rộng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong / ngoài Trường, các cơ quan tài trợ nghiên cứu, các đối tác quốc tế; các địa chỉ ứng dụng (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp)… để xây dựng các đề tài / dự án / chương trình nghiên cứu không những bắt nhịp với xu thế phát triển của Thế giới, mà còn có tiềm năng ứng dụng cao, qua đó nâng cao vị thế của đơn vị trong và ngoài nước.

Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ và Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo:

  • Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức và cá nhân khác trong chuyển giao để nâng cao chất nghiên cứu, đưa nghiên cứu tiến đến ứng dụng thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội và cải thiện thu nhập cho cán bộ trong bối cảnh tự chủ của Nhà trường;
  • Hỗ trợ khởi nghiệp Spin off: Khởi nghiệp là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với bối cảnh nền kinh tế hội nhập, sinh viên có điều kiện tiếp cận các cơ hội khởi nghiệp công nghệ đa dạng và liên tục. Đồng thời đưa các nghiên cứu tiềm năng của trường đại học vào khởi nghiệp được coi là một cách thức tốt và đồng thời tạo ra các giá trị mới cho nền kinh tế được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng.

Hỗ trợ Quản lý Mạng lưới Doanh nghiệp đồng hành cùng Trường:

  • Hình thành mạng lưới doanh nghiệp SOICT;
  • Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp từ cựu sinh viên trong và ngoài nước.