Kiến tạo tương lai với SoICT

Kiến tạo tương lai với SoICT

Thế giới đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi công nghệ như vũ bão, và không thể đảo ngược. Làn sóng này có tác động mạnh mẽ đến không chỉ công nghệ, công nghiệp, mà còn đến mọi khía cạnh của đời sống: thể chế, luật pháp, và thậm chí cả đạo đức. Đấy chính là làn sóng: Chuyển đổi số – Digital Transformation, một khái niệm bao trùm và đầy đủ hơn khái niệm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hay Công nghiệp 4.0. Trong làn sóng này, đối với mỗi quốc gia, điều kiện tiên quyết để Chuyển đổi số thành công nằm ở sự phát triển của khoa học – kỹ thuật – công nghệ, và đặc biệt nguồn nhân lực trình độ cao.

Về mặt bản chất, Chuyển đổi số là việc thông minh hóa các hệ thống sản xuất – dịch vụ, và từ đó tác động đến mọi mặt của đời sống, mà câu chuyện Uber hay Grab trong thông minh hóa và tối ưu chia sẻ phương tiện là một ví dụ điển hình. Sứ mệnh “thông minh hóa” đặt lĩnh vực công nghệ thông tin vào trung tâm để kết nối các công nghệ liên quan, nhằm mục đích thông minh hóa toàn bộ quy trình của hệ thống. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin là rất lớn. Theo thống kê của Vietnamworks và TopDev – các trang tuyển dụng việc làm lớn và uy tín nhất Việt Nam – thì nhu cầu nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam tăng 47%/năm, trong khi nguồn cung hàng năm chỉ tăng có 8%, điều này dẫn đến việc thiếu hụt 190.000 nhân lực vào năm 2021 (theo số liệu dự báo tháng 1/2020). Ngoài ra, phải kể thêm sự gia tăng chóng mặt của các doanh nghiệp làm phần mềm tại Việt Nam: 124% trong 4 năm trở lại đây, thực tế này sẽ làm gia tăng sự bức bách về nguồn nhân lực CNTT. Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở số lượng, mà còn là chất lượng. Theo điều tra của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thì nhân lực CNTT tại Việt Nam còn khá yếu ở kỹ năng thực hành và làm việc nhóm, vì vậy, sẽ rất khó để có thể tham gia vào các khâu phát triển sản phẩm phức tạp, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao, tiền đề để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá, góp phần dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Vì vậy, có thể nói rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin tại Việt Nam là “cơn khát” ám ảnh đến sự thành công của quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Trường CNTT&TT là đơn vị có bề dày truyền thống trong đào tạo CNTT tại Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Trường đã đào tạo cho đất nước hàng vạn kỹ sư và chuyên gia CNTT, đang đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp, và tập đoàn công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Có thể nói rằng, không doanh nghiệp CNTT quan trọng nào tại Việt Nam mà không có bóng dáng của kỹ sư CNTT Bách khoa tại các vị trí then chốt. Trong số các thủ lĩnh công nghệ đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Ông Dương Dũng Triều – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống FPT (FIS), Ông Ngô Diên Hy – Tổng Giám đốc Công ty VNPT-Media, Ông Vương Quang Khải – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Vinagame, Ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch và Tổng giám đốc BKAV, Ông Lữ Thành Long – Chủ tịch MISA, Ông Trần Việt Hùng – Nhà sáng lập Công ty GotIt, công ty khởi nghiệp (startup) đầu tiên của người Việt thành công tại Silicon Valley, Ông Nguyễn Hà Đông – cha đẻ của trò chơi Flappy Bird nổi tiếng toàn cầu…

Ngoài ra, Trường còn có một cộng đồng cựu sinh viên hàng trăm người đang làm việc tại Thủ phủ Công nghệ Thế giới – Thung lũng Silicon Valley, trong các tập đoàn công nghệ có sức ảnh hướng toàn cầu như: Google, Microsoft, Facebook, Amazon, Adobe…, và cũng một con số tương tự đang làm việc tại cường quốc công nghệ Nhật Bản, cũng như một cộng đồng không nhỏ đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ toàn cầu trải khắp 5 châu. Thêm vào đó, hàng năm, các sinh viên giỏi của Trường còn nhận được nhiều học bổng theo đuổi con đường sự nghiệp học vấn tại các nước phát triển: Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, và rất nhiều người trong số đó đã ở lại để trở thành các giáo sư, và nhà khoa học đang làm việc tại các trường đại học, và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên Thế giới.

Cũng không thể không nhắc tới các thành công về mặt Khoa học Công nghệ của các sinh viên / cựu sinh viên Bách Khoa, các giải thưởng CNTT uy tín như: Trí tuệ Việt Nam, Nhân tài Đất Việt, Sao khuê… năm nào cũng ghi nhận sản phẩm của CNTT Bách Khoa ở các vị trí cao nhất. Và rất nhiều trong đó được phát triển lên thành các dự án khởi nghiệp thành công, tạo ra các startup có giá trị, góp phần làm sống động phong trào Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Sự thành công của Cựu Sinh viên là bảo chứng đầu tiên cho chất lượng đào tạo của Trường. Nhưng không dừng lại ở đó, trong xu thế tự chủ và hội nhập của Giáo dục Đại học Việt Nam, dưới sự định hướng của Nhà trường, Trường đã chủ động các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng rõ nét đào tạo chất lượng cao, đào tạo ra các thủ lĩnh công nghệ (tech leaders) đóng vai trò chủ động, và dẫn dắt quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Các chương trình đào tạo của Trường được thường xuyên cập nhật, không những phù hợp với nhu cầu của thị trường, mà còn bắt kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên Thế giới để thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt Xã hội trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Chương trình được thiết kế chú trọng nâng cao thời lượng thực hành, đặc biệt trong các môn cơ sở và cốt lõi ngành, cũng như hướng sinh viên tới việc học thông qua trải nghiệm, học thông qua giải quyết vấn đề, các khâu cốt lõi trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, thủ lĩnh công nghệ tương lai. Trong quá trình học, sinh viên được tham gia vào các khóa thực tập tại doanh nghiệp để có trải nghiệm thực tế, cũng như được khuyến khích tham gia nghiên cứu tại hệ thống phòng thí nghiệm của Trường dưới sự dẫn dắt của các thày cô, các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực CNTT.  Ngoài ra, Trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức các khóa kỹ năng mềm, các khóa đào tạo chuyên môn bổ trợ, các khóa tăng cường ngoại ngữ… để giúp các em sau khi tốt nghiệp có thể ngay lập tức hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp, tránh khỏi các bỡ ngỡ, ảnh hưởng đến việc phát triển sự nghiệp tại môi trường mới mẻ và nhiều thách thức.

Thêm vào đó, để tạo ra các chuyên gia là “Công dân Toàn cầu – Global Citizen” có cơ hội phát triển tại mọi nơi trên Thế giới, trong định hướng của Nhà trường, Trường cũng xây dựng và phát triển các chương trình tiên tiến, dạy hoàn toàn (hoặc tăng cường) tiếng nước ngoài, như: Anh, Nhật, Pháp… để các em sau khi tốt nghiệp, ngoài khả năng chuyên môn cao, còn có kỹ năng về ngoại ngữ vượt trội. Sự thành công của các chương trình: như Việt Nhật (IT-E6), Global ICT (IT-E7), hay DS&AI (IT-E10) đã đem lại thương hiệu đào tạo uy tín cho Trường không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường lao động khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… 60% sinh viên tốt nghiệp Chương trình Việt Nhật tìm được việc làm tại Nhật Bản, với mức lương khởi điểm hàng nghìn USD/tháng.

Lựa chọn tương lai với Trường CNTT&TT, nghĩa là các em đứng trước một cơ hội to lớn để phát triển sự nghiệp bản thân, để trở thành những chuyên gia CNTT giỏi nghề, với ADN “đổi mới sáng tạo” truyền lại từ bao thế hệ, để không những có khả năng thích ứng mà còn có thể đảm đương vai trò là các thủ lĩnh công nghệ (tech leaders), dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

“Enlightening Your Digital Future” – motto mới thể hiện rõ nét sự nhận thức về vai trò và sứ mệnh của Trường CNTT&TT trong kiến tạo quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với sức trẻ, và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ giảng viên đang độ chín, Trường CNTT&TT sẽ luôn là một địa chỉ tin cậy để các em phát triển nghề nghiệp, tu dưỡng bản thân, để có một tương lai xán lạn trong Kỷ nguyên Số, Kỷ nguyên Tri thức, và Kỷ nguyên Toàn cầu.