HACKATHON – TỪ SÂN CHƠI CỦA SINH VIÊN CÔNG NGHỆ ĐẾN GIẢI PHÁP THAY ĐỔI THẾ GIỚI

HACKATHON – TỪ SÂN CHƠI CỦA SINH VIÊN CÔNG NGHỆ ĐẾN GIẢI PHÁP THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Các đội tham gia Hackathon 2020 do Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) tổ chức tại buổi khai mạc tối ngày 26/06

Gần 100 sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số trường trên địa bàn Hà Nội chạy đua suốt 46 tiếng để phát triển những sản phẩm không chỉ có ý nghĩa đột phá về mặt công nghệ mà còn có thể gây ảnh hưởng xã hội.

Đã gần nửa đêm thứ Bảy, Nguyễn Cao Duy, cùng hai người bạn Vi Thành Đạt và Nguyễn Trung Hiếu, vẫn “dán” mắt vào máy tính xách tay, trong căn phòng rộng khoảng 40m2 trên tầng 4 một tòa nhà 10 tầng ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trên bàn làm việc, la liệt dây nối, ổ cắm, các bộ vi mạch và… những chai nước tăng lực uống dở, cốc cà-phê chỉ còn lại đá và đống đồ ăn vặt ngổn ngang.

Họ là một trong số 20 đội tham gia cuộc thi hackathon kéo dài 46 tiếng do Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức lần đầu tiên. “Hackathon”, ghép từ hai từ tiếng Anh “hack” (phát triển giải pháp) và “marathon” (chạy bộ đường trường), là một cuộc thi đòi hỏi sức tập trung cao trong một thời gian ngắn để tạo ra các sản phẩm công nghệ từ phần mềm máy tính cho đến ứng dụng trên điện thoại hoặc website.

Cao Duy nheo mắt nhìn hàng trăm dòng lệnh với những con số và chữ cái chạy trên màn hình máy tính. “Do quá gấp rút, thay vì dùng vi mạch không dây và chống nước, nhóm chúng tôi buộc phải dùng tạm một vi mạch khác cổ lỗ hơn”, nam sinh viên năm thứ 4 ngành kỹ thuật máy tính giải thích về những trục trặc khi ghép các thiết bị có chức năng khác nhau vào một hệ thống hoàn chỉnh và lập trình trên hệ thống đó. Gần 28 tiếng qua, cậu sinh viên 22 tuổi này chỉ ngủ 4 tiếng.

Các thí sinh tham gia Hackathon 2020 do Viện Công nghệ Thông Tin và Truyền thông thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 26-28/06

“Mong muốn của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc giúp sinh viên giỏi hơn về chuyên môn mà còn mang đến cho sinh viên thêm nhiều cơ hội trải nghiệm trên con đường trở thành những kỹ sư và công dân toàn cầu”, PGS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng SoICT nói trước giờ khai mạc. Cuộc thi năm nay yêu cầu các đội ứng dụng các công nghệ 4.0 như Trí tuệ Nhân tạo, Khoa học Dữ liệu, Internet Vạn vật hoặc Tương tác Thực tế Ảo để tạo ra các sản phẩm cụ thể nhằm giải quyết những thách thức lớn như biến đổi khí hậu và khủng hoảng đại dịch Covid-19 hoặc các bài toán nhỏ hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Quen nhau từ thời còn học chung đội tuyển Tin Quốc gia, Cao Duy, Thành Đạt và Trung Hiếu cho biết sau vài tiếng bàn bạc, họ quyết định phát triển một ứng dụng điện thoại giúp theo dõi chất lượng nước sinh hoạt của hộ gia đình ở thành phố. Ứng dụng có hai tính năng chính. Thứ nhất là đo nồng độ hòa tan của kim loại trong nước, nồng độ càng cao thì càng có hại cho sức khỏe. Thứ hai là kiểm soát lưu lượng nước. Nhóm ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo để đưa các giải pháp giúp cơ quan và tổ chức trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. “Nhờ ứng dụng này, các công ty cung cấp nước biết rõ lúc nào nên thay đường ống. Như vậy vừa tránh lãng phí tiền bạc vừa có thể kiểm soát chặt chẽ tuổi thọ và chất lượng đường ống để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, Cao Duy đưa ra một ví dụ.

Văn hóa hackathon

Đây không phải là lần đầu tiên nhóm của Cao Duy tham gia hackathon. “Ban đầu chúng tôi chỉ thi để biết. Nhưng thi nhiều thành ra ‘nghiện’”, chàng kỹ sư tương lai chia sẻ. “Cái hay của hackathon là giúp bạn biết cách nhìn ra vấn đề và hình thành tư duy giải quyết vấn đề. Giờ cứ ngồi xuống với nhau là chúng tôi nghĩ ra tỷ thứ để làm”.

Ý tưởng của nhóm xuất phát từ sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải cuối năm 2019 làm ảnh hưởng tới nước sinh hoạt của 18% hộ dân Hà Nội, theo thống kê của cơ quan chức năng. Thành phố lúc đó liên tục khuyến cáo người dân “không nên ăn uống bằng nước sạch từ máy sông Đà”. Nhóm chứng kiến nhiều bạn bè “khổ sở vì phải chuyển mọi sinh hoạt hàng ngày ra ngoài, có người phải đến công ty tắm giặt suốt hai, ba tuần”. Theo ba nam sinh viên công nghệ thông tin, vấn đề là chính quyền thành phố đã không kịp thời cảnh báo người dân. Khoảng một tuần sau sự cố, Hà Nội mới ra thông báo chính thức. Trong khi đó, ứng dụng của nhóm phân tích dữ liệu theo thời gian thực nên có thể cảnh báo người dùng qua điện thoại di động ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong nguồn nước.

“Khi bị áp lực dồn vào chân tường, nếu có đủ năng lực chuyên môn cộng với sự quyết tâm cao độ, anh sẽ nảy ra những ý tưởng đột phá và sáng tạo để giải quyết các bài toán của đời sống”, Viện trưởng Tạ Hải Tùng nhận xét.

Các đội thi Hackathon 2020 của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu ứng dụng các công nghệ 4.0 để tạo ra sản phẩm trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông và nông nghiệp.

Xuất hiện đầu những năm 2000, hackathon giờ đã trở nên phố biến trên khắp thế giới. Các cuộc thi, thường diễn vào cuối tuần, ngày càng lớn mạnh về số lượng người tham gia và tần suất tổ chức. Theo thống kê của hackathon.com, số lượng các cuộc thi hackathon trên toàn thế giới năm 2018 tăng 63% so với năm 2016. Mỹ dẫn đầu với hơn 1.500 cuộc thi. Năm 2018, 64% các cuộc thi hackathon được mở cho công chúng, 36% diễn ra trong nội bộ các tổ chức. Hackathon dần trở thành nơi để các doanh nghiệp “săn đầu người” và các nhà đầu tư mạo hiểm phát hiện các ý tưởng “bạc tỷ”.

“[Một trong những] lý do IBM tài trợ cho các cuộc thi như thế này để là tìm kiếm người tài”, ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ tập đoàn toàn cầu IBM tại Việt Nam, cho biết IBM sẽ đưa 6 đội được đánh giá tốt nhất trong cuộc thi này vào chương trình hỗ trợ dành cho các các công ty khởi nghiệp (start-ups), nghĩa là các đội sẽ được tài trợ 12.000 -120.000 USD một năm khai thác dịch vụ đám mây của IBM. “Ngoài tính sáng tạo, tìm ra giải pháp nhanh thì khả năng chịu đựng áp lực và làm việc liên tục trong thời gian dài cũng là những phẩm chất cần có của các start-ups”, ông Tâm giải thích.

Bản thân các tập đoàn công nghệ lớn như IBM cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi hackathon “trong nhà” để luôn đổi mới và sáng tạo. Theo trang TechGig, “gã khổng lồ” Facebook cũng nhờ hackathon nội bộ mới phát triển thành công nhiều tính năng được người dùng yêu thích như tag tên của bạn bè vào bình luận hoặc nút Like “huyền thoại” là do một nhân viên nghĩ ra trong cuộc thi hackathon năm 2007.

‘Hackathon quan trọng ở quá trình hơn kết quả’

Không lọt vào danh sách 10 đội mạnh nhất, nhóm của Cao Duy, Thành Đạt và Trung Hiếu công nhận sản phẩm còn nhiều hạn chế. Khi chạy thử, bộ vi mạch của nhóm suýt bị chập cháy vì không chống được nước và chạy quá tải. “Lần thi này thật sự nhóm chúng tôi không nổi bật so với các nhóm khác. Còn nhiều thứ cần khắc phục,” cả nhóm đồng tình.

Tuy nhiên, theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO tại Hà Nội, “hackathon quan trọng ở quá trình hơn là kết quả”. Ông Croft nói cuộc thi tạo cơ hội cho sinh viên yêu thích công nghệ bắt tay vào làm các dự án thực tế, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống sau khi rời môi trường đại học và khiến họ tự tin hơn vào khả năng của bản thân. “Ở Hackathon, chúng ta trao cho người trẻ công cụ và không gian để hành động”.

Nhìn xa hơn vào tương lai của nhân loại hơn, ông Michael Croft, lãnh đạo văn phòng UNESCO Hà Nội, đặt niềm tin vào sức mạnh thay đổi thế giới của những người trẻ. Thế giới đang vật lộn với nhiều vấn đề nan giải như biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững hay khả năng phục hồi sau thiên tai, ông Croft nói, và cấp bách nhất bây giờ là đại dịch Covid-19. Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia có thể tổ chức những sự kiện tập trung đông người như hackathon. Lãnh đạo của UNESCO so sánh Việt Nam như “một phòng thí nghiệm của thế giới” và kỳ vọng các đội thi sẽ tận dụng cơ hội này để cùng nhau sáng tạo. “Tôi rất xin lỗi khi đặt gánh nặng này lên vai các bạn”, ông Croft chia sẻ suy nghĩ với các đội thi. “Nhưng thế giới cần những giải pháp đột phá để thay đổi lối mòn hiện nay. Và chúng tôi, các thế hệ đi trước, trông chờ vào những người trẻ làm điều đó”.

Hạnh Phạm