Chương trình đào tạo Công nghệ thông tin – Kỹ thuật Máy tính (IT2)

Chương trình đào tạo Công nghệ thông tin – Kỹ thuật Máy tính (IT2)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – KỸ THUẬT MÁY TÍNH

Là ngành học quan trọng, độc đáo, và duy nhất trong lĩnh vực CNTT tại ĐHBK HN cung cấp cho người học kiến thức chuyên môn cả về phần cứng, phần mềm và các kỹ thuật thiết kế và tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm. Với các kiến thức được học, người học có khả năng trở thành chuyên gia về mạng máy tính, an toàn bảo mật hệ thống, cũng như chuyên gia thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị thông minh, như: smart phone, các hệ thống IoT thông minh, các thiết bị “smart home”, và các giải pháp “smart city”…

MÃ XÉT TUYỂN: IT2

TỔ HỢP MÔN XÉT TUYỂN:

  • Xét tuyển tài năng
  • Điểm thi TN THPT: A00, A01
  • Bài kiểm tra tư duy: K00

MÃ XÉT TUYỂN: IT2

TỔ HỢP MÔN XÉT TUYỂN:

  • Xét tuyển tài năng;
  • Điểm thi tốt nghiệp THPT: A00 (Môn chính: Toán), A01 (Môn chính: Toán);
  • Bài kiểm tra tư duy: K00, K01;

CHỈ TIÊU TUYỂN SINH: 200

ĐIỂM TRÚNG TUYỂN CÁC NĂM TRƯỚC:

Điểm thi Đánh giá tư duy (TSA)

25.63

(2020)

21.19

(2022)

79.22

(2023)

Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành Kỹ thuật Máy tính. Người học được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, kỹ thuật điện tử, giải thuật, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, kết hợp với kiến thức chuyên ngành về hệ thống máy tính, truyền thông dữ liệu, hệ thống nhúng, IoT, và an toàn an ninh thông tin.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có kỹ năng phát triển toàn diện một giải pháp hoàn chỉnh cả phần cứng và phần mềm, đặc biệt chú trọng đến khả năng tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm trong một hệ thống.

CƠ HỘI HỌC BỔNG VÀ HỖ TRỢ HỌC TẬP

Học bổng và hỗ trợ tài chính

Bên cạnh các nguồn học bổng và hỗ trợ tài chính của Trường ĐHBK Hà Nội, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Máy tính có kết quả học tập tốt nhưng khó khăn về tài chính có cơ hội nhận hỗ trợ từ Quỹ học bổng hội cựu sinh viên / hội doanh nghiệp CNTT hoặc từ các tập đoàn lớn như Microsoft, Samsung, Vingroup, VNPT…

Ngoài ra, sinh viên có khả năng giảng dạy và nghiên cứu tốt có thể tham gia làm trợ giảng (Teaching Assistant – TA, hỗ trợ các thầy cô giảng dạy), hay trợ lý nghiên cứu (Research Assistant – RA, hỗ trợ và cùng làm nghiên cứu với các thầy cô tại hệ thống các phòng thí nghiệm của Trường) với mức thù lao có thể lên tới 4 triệu/tháng, kèm theo Chứng nhận chính thức của Trường để sau này các em có điều kiện thuận lợi xin học bổng du học. Hiện tại, Trường là đơn vị duy nhất triển khai các chương trình này trong Trường.

Học tích hợp cử nhân – thạc sỹ: sinh viên có cơ hội được nhận học bổng miễn giảm học phí của Nhà trường, học bổng hỗ trợ đào tạo sau đại học của các tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước.

Học bổng trao đổi sinh viên và cơ hội thực tập

Sinh viên có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi học tập, nghiên cứu hoặc học chuyển tiếp tại các trường đối tác danh tiếng như: Đại học Khoa học Ứng dụng Regensburg (OTH, Đức), Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Aizu (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Tokyo (Nhật Bản)…

Ngoài ra, trong quá trình học sinh Trường được thực tập trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại hơn 200 doanh nghiệp đối tác của Trường.

Thêm vào đó, Mạng lưới cựu sinh viên của Trường tại Silicon Valley cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn để giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Thế giới.

THỜI GIAN ĐÀO TẠO

ĐÀO TẠO CỬ NHÂN (4 năm)

Theo 3 định hướng:

  • Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu,
  • An toàn thông tin, và
  • Hệ nhúng và IoT.

ĐÀO TẠO TÍCH HỢP CỬ NHÂN – KỸ SƯ (5.5 năm)

Theo 2 định hướng:

  • Mạng truyền thông dữ liệu và An toàn bảo mật, và
  • Trí tuệ nhân tạo và IoT.

ĐÀO TẠO TÍCH HỢP CỬ NHÂN – THẠC SĨ (5,5 năm)

Theo 3 định hướng:

  • Khoa học Máy tính,
  • Kỹ thuật Máy tính, và
  • Khoa học Dữ liệu

KIẾN THỨC ĐÀO TẠO

  • Nắm vững các kiến thức toán và khoa học cơ bản để áp dụng vào giải quyết các bài toán kỹ thuật.
  • Khả năng áp dụng các kiến thức cơ sở cốt lõi ngành bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phát triển phần mềm, an toàn an ninh thông tin, xử lý mã hoá thông tin và tín hiệu, và các dịch vụ mạng.
  • Nắm vững và có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên ngành, tiếp cận các định hướng ứng dụng về mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, an toàn thông tin, hệ thống nhúng và IoT trong xây dựng và phát triển các hệ thống, dịch vụ, giải pháp kỹ thuật Kỹ thuật máy tính.
  • Chuẩn đầu ra và chi tiết chương trình đào tạo xem tại đây.
  • Ngoài ra, người học sẽ được đào tạo thêm:
    • Về kỹ năng: như kỹ năng tổ chức, lãnh đạo và làm việc nhóm;
    • Về ngoại ngữ: sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong giao tiếp và công việc, đạt điểm TOEIC 500 trở lên.

CƠ HỘI VIỆC LÀM

Các vị trí việc làm tiêu biểu:

  • Lập trình viên phát triển phần mềm cho các hệ thống thông tin, đặc biệt là hệ thống có kết nối mạng.
  • Kỹ sư hệ thống mạng máy tính, hệ thống IoT.
  • Kỹ sư an toàn an ninh cho mạng truyền thông số liệu.
  • Kỹ sư thiết kế và xây dựng phần mềm cho hệ thống nhúng, đặc biệt là các hệ thống tiên tiến như ô-tô tự lái, robot thông minh, nhà thông minh…
  • Kỹ sư phát triển hệ thống tích hợp phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong các lĩnh vực IoT, và chế tạo hệ nhúng, thiết bị thông minh (smart home, smart city).
  • 100% sinh viên có việc làm, đặc biệt các việc liên quan đến thiết kế chế tạo tại các tập đoàn lớn như: Samsung, VNPT, Vingroup (sản xuất điện thoại), BKAV… với mức lương khởi điểm trung bình: 15-20 triệu/tháng.

SINH VIÊN TIÊU BIỂU

Lữ Thành Long

Chủ tịch MISA

Nguyễn Tử Quảng

 Founder và CEO của BKAV

Hoàng Việt Anh

Phó TGĐ Tập đoàn FPT

Đăng ký tư vấn

    CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP

    Sự khác nhau giữa các ngành của Trường CNTT&TT?
    1. Về bản chất khi tốt nghiệp, danh xưng kỹ sư CNTT BK là đã đủ uy tín rồi, nhà tuyển dụng đa phần nhìn vào đó, rồi mới đến ngành gì. Mà mới nhìn KS CNTT BK là “auto” nhận rồi, hỏi thêm chỉ để xếp vào vị trí phù hợp.
    2. Với hiểu biết về CNTT của học sinh cấp 3 nói chung, ví dụ: làm web, làm game… thì quá đơn giản, sinh viên ITx/Ex nào cũng làm được NGON.
    3. Tất cả các ngành của Trường thì đều thiên về phần mềm nhiều hơn, trong đó:

    – IT1 là LẬP TRÌNH phát triển ứng dụng chạy trên MÁY CHỦ (server), MÁY TÍNH (PC, laptop, và có thể cả điện thoại) sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm, và hệ thống thông tin nói chung, còn

    – IT2 thì LẬP TRÌNH trên THIẾT BỊ (với bộ vi xử lý có năng lực tính toán, dung lượng bộ nhớ hạn chế hơn, năng lượng – pin – cũng hạn chế hơn, người ta hay gọi chung là hệ nhúng), ví dụ: lập trình trên camera thông minh, robot, hay điện thoại.

    Ngoài ra IT2 còn dạy các kiến thức về mạng máy tính, truyền dữ liệu (làm thế nào để dữ liệu truyền từ máy này đến máy kia hiệu quả), và đặc biệt là an toàn thông tin (bảo mật, chống tấn công mạng…), cũng như một phần kiến thức quan trọng về xử lý tín hiệu, điện tử số, ghép nối… để các em có thể can thiệp sâu hơn xuống mức thiết bị nếu cần, dù hiện tại các nhà sx phần cứng đã đáp ứng hầu hết nhu cầu đa dạng, và trong đa phần giải pháp, hơn nhau là phần mềm trên thiết bị, và đó là mục đích của IT2.

    – IT E10: Chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có mục đích đào tạo các chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS & AI scientist).

    Còn IT E6 và E7 là 2 Chương trình Elitech thiên về KHMT IT1 nhiều hơn.

    Ví dụ kết nối lại trong 1 giải pháp: Hệ thống giám sát, điều hành xe bus. SV IT2 sẽ viết phần mềm chạy trên thiết bị GSHT để lấy vị trí từ chip GPS, ảnh từ Camera và gửi về máy chủ. SV IT1 sẽ viết phần mềm quản lý xe, hiển thị dưới dạng trang web, để người điều hành xe lên kế hoạch chạy xe cho các tài xế. SV ITE10 sẽ tập hợp dữ liệu giao thông, phân tích nhu cầu hành khách, sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để đưa ra phương án điều hành xe tự động và tối ưu, ví dụ: trời nắng/mưa, ngày lễ, ngày cao điểm, nên dồn xe cho các tuyến nào thì sẽ đáp ứng nhu cầu hành khách tốt nhất!

    Học lập trình thì học ngành nào?

    1 . Học lập trình: cả 3 ngành IT1, IT2, và IT-E10 đều học lập trình, trong đó:

    – IT1: chuyên sâu về công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin…

    – IT2: chuyên sâu về hệ nhúng và IoT, mạng máy tính, an toàn – an ninh thông tin…

    – IT-E10: chuyên sâu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

    2 . Việc phân thành 3 ngành này sẽ đảm bảo:

    – Theo thông lệ quốc tế, dễ quy đổi bằng cấp tương đương, và thuận lợi chuyển tiếp du học ở các bậc học sau;

    – Giúp các em định hướng ngay từ đầu các lĩnh vực sẽ theo đuổi trong sự nghiệp.

    3 . Với cách hiểu về “CNTT như hiện tại ở ta” thì có thể nói:

    CNTT = Khoa học Máy tính (IT1) + Kỹ thuật Máy tính (IT2) + Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10)

    4 . Các chương trình có mã “E” bên cạnh IT là các chương trình thuộc hệ tiên tiến, chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng nước ngoài:

    – IT-E6: Chương trình kỹ sư CNTT Việt Nhật: hot nhất hiện tại, vì lương cao nhất sau khi ra Trường (60% sang Nhật làm việc);

    – IT-E7: Chương trình Global ICT: quốc tế nhất hiện tại, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhiều cơ hội chuyển tiếp nhận bằng ở Bắc Mỹ, và Châu Âu.

    – IT-E10: Chương trình Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo: triển vọng nghề nghiệp tương lai tốt đẹp nhất, gắn với Công nghiệp 4.0, và cơ hội nghề nghiệp ở thị trường lao động quốc tế rộng mở.

    5 . Ngoài ra, nếu vẫn muốn học CNTT BK và gia đình có điều kiện để hỗ trợ chuyển tiếp ra nước ngoài 2 năm cuối, các em có thể đăng ký vào các chương trình đào tạo liên kết, như: Chương trình đào tạo Quốc tế IT-LTU (liên kết với ĐH La Trobe – Úc), Chương trình IT-VUW (liên kết với đại học Victoria Wellington – New Zealand), Chương trình IT-GINP (liên kết với ĐH Grenoble INP – Pháp) và Chương trình TROY-IT (liên kết ĐH TROY – Mỹ).

    Muốn chuyên về phần mềm và web thì học ngành nào ạ?

    Ngành nào cũng đào tạo các kiến thức cơ bản về phần mềm nói chung (trong đó có web).

    Nhưng em có thể lựa chọn IT1 theo định hướng CNPM, hoặc ITE6, ITE7 nếu muốn giỏi thêm 1 ngoại ngữ, để mở rộng “không gian” làm việc (nước ngoài).

    Sự giống và khác nhau giữa IT2 và IT-E6?

    IT2 chuyên ngành về KTMT hướng đến các lĩnh vực Hệ nhúng, IoT; Mạng máy tính; An toàn thông tin.

    ITE6 được thiết kế theo chuẩn KS CNTT Nhật Bản, dạy tăng cường tiếng Nhật, hướng đến thị trường lao động Nhật Bản.

    IT2 triển vọng nghề nghiệp tốt, và đậm đặc chất BK, nghĩa là làm ra sản phẩm tích hợp cả phần cứng và phần mềm. Cái mà các đơn vị đào tạo về CNTT khác trên cả nước khó có được.

    ITE6 thì triển vọng nghề nghiệp quốc tế tốt, lương cao, và sau làm việc 1 vài năm ở Nhật Bản nếu năng động các em có thể tự mở công ty phát triển sản phẩm và giải pháp cung ứng cho thị trường Nhật Bản – một thị trường vô cùng tiềm năng, nhưng bị giới hạn về nguồn lực con người do già hóa dân số!

    IT-E7 và IT-E6 nội dung môn học có giống nhau không?

    Hiện hai chương trình được thiết kế như nhau. IT-E6 học bằng tiếng Việt và dạy thêm tiếng Nhật để phù hợp yêu cầu thị trường Nhật Bản và các công ty dùng tiếng Nhật. IT-E7 học hoàn toàn bằng tiếng Anh và hướng tới cơ hội việc làm toàn cầu như tên Global ICT.

    Tham gia nhóm Zalo Tư vấn tuyển sinh “SoICT Kỹ thuật máy tính – IT2” của Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông để được giải đáp các thắc mắc về CTĐT.