CEO Nguyễn Tử Quảng: ‘Nếu thay đổi định kiến, Việt Nam sẽ là cường quốc công nghệ’
“Một cuộc chiến trường kỳ và đáng làm” – CEO Nguyễn Tử Quảng đã nói như thế về hành trình sản xuất smartphone của Bkav trong câu chuyện về định kiến, niềm tin tại sân khấu chương trình Cất cánh trên VTV1 tối ngày 24/4, với chủ đề “Cứ đi rồi sẽ đến”.
Khi nhìn lại, với CEO Bkav, đó là cuộc chiến vượt lên định kiến của xã hội, của giới hạn lòng tin rằng Việt Nam không thể sản xuất những sản phẩm công nghệ để cạnh tranh ra thế giới.
“Năm 1995, khi là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã viết phần mềm diệt virus cung cấp miễn phí cho tất cả người sử dụng máy tính ở Việt Nam với mục đích hỗ trợ mọi người, đơn giản đây là một việc hữu ích với xã hội mà tôi có thể làm”, ông kể lại.
Sau đó, khi đã là giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, ông cùng nhóm tình nguyện gồm các giảng viên và sinh viên của trường tiếp tục công việc tình nguyện này.
Tuy nhiên, đến những năm 2000, Internet ở Việt Nam bùng nổ, máy tính nhiều hơn, virus máy tính và các vấn đề an ninh mạng theo đó cũng bùng nổ. Công việc bắt đầu quá tải vì không thể có thêm nhiều người tình nguyện, trong khi các đề nghị trợ giúp lại quá nhiều.
Năm 2005, Bkav bắt đầu thương mại hóa phần mềm diệt virus Bkav sau đúng 10 năm cung cấp miễn phí với kỳ vọng sẽ có nguồn lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng sự hỗ trợ đến cộng đồng.
“Trong 10 năm cung cấp miễn phí, chúng tôi chỉ có một mục đích là làm được việc hữu ích cho xã hội. Sau khi thương mại hóa, tôi nhận ra mình có thể làm tốt hơn thế. Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ thế giới. Tuy nhiên, khi nói ra điều đó, mọi người không tin và gọi tôi là Quảng Nổ thay vì hiệp sĩ Công nghệ thông tin” – ông Quảng chia sẻ.
Năm 2009, Bkav quyết định tham gia vào sản xuất smartphone. Đây là dấu mốc lớn tiếp theo, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Bkav, từ một công ty phần mềm thành một tập đoàn công nghệ.
“Nhưng lớn hơn, đây là một cơ hội lớn để chúng tôi khẳng định năng lực của con người Việt Nam, rằng Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ để cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu”, vị CEO nói. Lần này, không phải phần mềm diệt virus mà là một sản phẩm hữu hình, có thể cầm nắm, dễ cảm nhận hơn – smartphone. Thêm một lần nữa, Nguyễn Tử Quảng nuôi kỳ vọng thuyết phục người VN tin vào năng lực của chính mình.
Ngày 26/5/2017, trên sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Bphone lần đầu tiên “trình làng” trước công chúng. Trên tay Nguyễn Tử Quảng, smartphone được giới thiệu là điện thoại cao cấp đầu tiên do người Việt làm ra. Đó cũng là 6 năm kể từ khi Bkav bước chân vào thị trường sản xuất smartphone.
“Thật tuyệt vời, thật không thể tin nổi là những cảm xúc tận đáy lòng phát ra từ sự kìm nén của tôi” – ông nhớ lại. “Đó là sự dồn nén trong 6 năm của tôi và cộng sự, là tổng hợp của sự tự hào cá nhân và lớn hơn nữa là sự khẳng định, tuyên bố người Việt Nam có thể”.
“Tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là định kiến. Định kiến Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu. Đặc biệt, đây là định kiến của cả một xã hội thì không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải là một công việc trường kỳ”.Một lần nữa, không nhiều người đặt niềm tin vào Nguyễn Tử Quảng. Khán phòng trở nên trầm lắng khi CEO hồi tưởng lại giai đoạn rơi vào trầm cảm 2 năm sau. “Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về triết học và khoa học vũ trụ để tìm đến bản chất của con người, của xã hội để giải thích và tìm ra cách giải quyết những trăn trở”, ông nói.
Nói về việc thay đổi định kiến cần “trường kỳ”, CEO Bkav chia sẻ về học thuyết Trái đất là trung tâm vũ trụ của Aristole từng tạo thành định kiến ăn sâu, khiến “nhân loại cần hơn 1000 năm để thay đổi định kiến này bằng học thuyết Mặt trời là trung tâm và trái đất quay xung quanh của Nicolas Copenicus”. Cuộc cách mạng này đã tạo ra được sự bùng nổ của khoa học và triết học, là tiền đề của các cuộc cách mạng về công nghệ.
“Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu. Kết quả 10 năm qua Bkav đã là ví dụ điển hình. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến trường kỳ này”, vị CEO khẳng định.
Nói rộng hơn, Nguyễn Tử Quảng nhìn nhận cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và coi đó là cơ hội, vận hội lớn cho những nước như Việt Nam. Một ví dụ điển hình là Hàn Quốc, dù không tham gia các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, lần 2 và mới bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 nhưng đã có sự phát triển thần kỳ, trở thành cường quốc.
“Đứng sau tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước tiên là cuộc cách mạng về tư duy và xóa bỏ định kiến. Nếu thay đổi định kiến, trong 10 năm tới VN có thể phát triển bùng nổ, cất cánh và trong 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ”, CEO Bkav khẳng định, đồng thời gửi gắm lời khuyên cho người trẻ Việt: “Đây là cuộc cách mạng của sáng tạo không giới hạn. Với nền tảng về hạ tầng công nghệ ngày nay, các bạn có thể hiện thực hóa những điều tưởng chừng viển vông ấy một cách dễ dàng”.