Sáng 30/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc.
Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… cùng 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, đã có các kiến nghị để hướng tới mục tiêu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ, trở thành lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên mới:
1. Tăng đầu tư cho Hệ thống giáo dục đại học. Tự chủ đại học (gắn liền với tự lo tài chính) như những năm vừa qua dù đem lại nhiều nét mới, nhưng nếu không tinh chỉnh sẽ đánh mất vai trò dẫn dắt của các đại học, trong khi đặt gánh nặng lớn lên vai người học và gia đình. Đầu tư đi kèm trách nhiệm giải trình, càng hiệu quả thì càng phải đầu tư nhiều để làm đầu tàu dẫn dắt cả hệ thống đi lên.
2. Tăng cường đầu tư đào tạo STEM, gắn kết với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Các ngành Khoa học Công nghệ mới ra đời đều dựa trên nền tảng: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM), vì vậy cần tập trung vào bồi đắp gốc cơ bản, gốc STEM. Cần coi nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu quan trọng. Cần thay đổi triệt để cơ chế quản lý đề tài Nghiên cứu khoa học các cấp, chuyển sang cơ chế quỹ, và không thể coi đề tài, dự án Khoa học công nghệ như các dự án đầu tư thông thường trong xây dựng và hạ tầng.
3. Cần thu hút nguồn lực là nhà khoa học quốc tế, trong đó chú trọng đến người Việt ở nước ngoài, để nâng tầm Giáo dục Đại học. Cần trao quyền tự chủ xét công nhận và bổ nhiệm vị trí việc làm GS/PGS, trước mắt với các Đại học trọng điểm, coi đây là tiền đề để tuyển dụng các nhà Khoa học xuất sắc, bổ nhiệm vào vị trí việc làm phù hợp.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của PGS.TS. Tạ Hải Tùng tại Hội nghị.
Kính thưa Đồng chí Tô Lâm – Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Kính thưa Quý vị,Để mở đầu, tôi xin được nhắc đến một câu chuyện trong đào tạo đại học tại cơ quan tôi đang công tác. Cách đây hơn chục năm, Trường được nhận một nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để mở một chương trình đào tạo công nghệ thông tin, định hướng làm việc tại Nhật Bản. Khi đó cũng có nhiều nghi ngại: đào tạo trong nước, dù có sự hỗ trợ cập nhật chương trình đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất của đối tác, nhưng liệu có đáp ứng được yêu cầu của một thị trường khó tính như Nhật Bản? hay tại sao lại phải đào tạo để hướng tới một thị trường lao động khác, mà không phải của chính Việt Nam?
Và đến bây giờ sau 15 khoá, sự thành công của sinh viên sau tốt nghiệp, sự kết nối mà họ đem lại cho thị trường công nghệ Việt – Nhật chứng minh đây đã là một trong những chương trình đào tạo thành công nhất về CNTT. Dù học hoàn toàn tại Việt Nam, với mức học phí Việt Nam, nhưng hơn 80% sinh viên tốt nghiệp đã sang làm việc trực tiếp tại thị trường Nhật Bản, với mức đãi ngộ tương tự như kỹ sư tốt nghiệp tại các đại học Nhật Bản, tạo ra một thương hiệu HEDSPI (tên của chương trình đào tạo) được các tập đoàn, công ty Nhật Bản săn đón. Và tuyệt vời hơn khi chính các em này đã là cầu nối giữa hai thị trường công nghệ Việt – Nhật, nhiều em là nhà sáng lập và thành viên chủ chốt của rất nhiều các doanh nghiệp CNTT của người Việt thành danh tại thị trường Nhật, mang về nguồn ngoại tệ và đặc biệt đáng quý là việc làm cho cho hàng vạn lập trình viên trong nước. Chúng ta có thể tự hào khi tại Nhật Bản đã có doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam doanh số hơn 500 triệu USD, đàng hoàng trong Top 20 công ty phần mềm lớn nhất Nhật Bản, và gần như chắc chắn sẽ vào Top 10 trong một vài năm tới đây.
Thế và lực của đất nước nay đã khác, người Việt trẻ tài năng đã có cơ hội được thi thố trên chính quê hương mình, và tôi xin phép kể câu chuyện thứ hai về một công ty sản xuất phương tiện di chuyển xanh: khi chúng tôi đến thăm thấy nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc ở mọi khâu, điều đó cũng không có gì lạ khi lĩnh vực này chỉ 5-7 năm trước đây chúng ta gần như không có công nghiệp, nhưng khi trao đổi chúng tôi được biết, sau một thời gian thì đến giờ các vị trí quản lý công nghệ cao nhất đã từng bước được chuyển giao cho người Việt, sinh viên tốt nghiệp tại các đại học Việt Nam sau một giai đoạn đào tạo bổ trợ, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài đã sẵn sàng gánh vác những khâu quan trọng và nhanh chóng làm chủ các công nghệ nền tảng, công nghệ cốt lõi trong một lĩnh vực rất mới, và là tương lai của nhân loại. Đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm, ¾ trong số hơn 2000 kỹ sư của nhà sản xuất ô-tô này là những người tốt nghiệp từ ĐHBK HN, đây là một con số rất ấn tượng, và nói lên nhiều điều.
Và còn nhiều nữa những ví dụ như vậy ở các bạn trẻ người Việt thành danh ở nhiều nơi trên Thế giới. Vậy chúng ta có thể thấy: tài năng trẻ Việt Nam nếu được đào tạo bài bản với định hướng quốc tế hoá, các em có thể làm chủ công nghệ mới, công nghệ chiến lược, đảm đương những công việc thách thức, và thành công tại những nơi cạnh tranh, với chuẩn mực công nghiệp cao nhất.
Vậy nên trước làn sóng công nghệ phát triển như vũ bão trong kỷ nguyên số, khi nguồn lực tài chính và công nghệ khổng lồ của các cường quốc, cũng như các tập đoàn đa quốc gia làm chúng ta choáng ngợp, và đôi khi hoang mang không biết chúng ta sẽ tiến vào kỷ nguyên mới với hành trang gì, sức cạnh tranh ra sao, liệu ta có lỡ tàu một lần nữa? Thì dựa vào ví dụ trên chúng ta thêm tự tin khi khẳng định rằng: với nguồn lực con người, nguồn lực của sức trẻ, của tài năng, của khao khát khẳng định mình sẽ là sức mạnh cạnh tranh của chúng ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.Nhận thức được tiềm năng to lớn đó cũng đồng thời đặt áp lực lên hệ thống đào tạo để làm thế nào những tài năng, những viên ngọc thô thực sự được mài giũa trở thành những viên ngọc quý. Lời giải cho bài toán trên chính là ở việc phát triển hệ thống GDĐH, trong đó tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng tạo ra một đội ngũ nhân tài về công nghệ, hội nhập toàn cầu với ý thức tự cường mạnh mẽ.
Trong những ngày qua, giới hàn lâm và công nghệ đã rất vui mừng khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Một nghị quyết ra đời rất đúng thời điểm với nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận mới: bao trùm, xuyên suốt, cụ thể, thực chất và xứng tầm với thế và lực đang lên của Đất nước, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu nay trong việc định hướng phát triển nền KHCN gắn liền với ĐMST và CĐS quốc gia.
Được sự cổ vũ của tinh thần Nghị quyết 57, trong phần tiếp theo của bài trình bày, tôi xin phép được có một số kiến nghị để trong giai đoạn tới công tác này được thực hiện thành công hơn nữa:
(1) KIẾN NGHỊ THỨ NHẤT là tăng cường ngân sách đầu tư để nhanh chóng phát triển Hệ thống GDĐH tiệm cận trình độ quốc tế.
Không thể phủ nhận tự chủ đại học là một chủ trương đúng, đem lại sức sống cho Hệ thống GDĐH trong gần chục năm trở lại đây, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào học phí mà không nhận được sự đầu tư của Nhà nước, các đại học có thể xa rời sứ mệnh của mình trong duy trì và phát triển nền tảng nhân lực, nền tảng KHCN cho đất nước. Nếu chạy theo tuyển sinh để có ngân sách nuôi sống một đại học thì có lẽ từ hơn chục năm trước các trường đã hạn chế hoặc thậm chí xoá sổ các ngành như vật liệu, luyện kim, ô-tô, vật lý hạt nhân… vậy thì khi chúng ta quyết tâm làm đường sắt cao tốc, quyết tâm làm điện hạt nhân, làm ô-tô điện… thì sẽ phải cần không biết bao nhiêu năm mới có thể gầy dựng được đội ngũ nhà giáo, đội ngũ chuyên gia, hay nền tảng KHCN… cho nhu cầu phát triển.
Thêm vào đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi ngoài lý thuyết được cung cấp, sinh viên còn phải được tiếp cận với KHCN tiên tiến ngay từ khi ngồi trên ghế Nhà trường, được tham gia vào các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) phát triển sản phẩm, được trải nghiệm thực tế trong công nghiệp, và đây được gọi là: học thông qua trải nghiệm, học thông qua giải quyết vấn đề, khâu cốt yếu trong đào tạo trình độ cao, đào tạo ra những “thủ lĩnh công nghệ” tương lai. Chi phí cho quy trình đào tạo này nếu đặt trên vai người học và gia đình thì có thể sẽ tạo những vấn đề về xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới những nhóm yếm thế.
Chính vì vậy, nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước, đặc biệt cho các đại học hàng đầu, những máy cái trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả đào tạo giảng viên cho cả hệ thống) là rất quan trọng.
Hiện tại ngân sách đầu tư cho cả Hệ thống GDĐH Việt Nam còn rất khiêm tốn, như năm 2020 mới dừng lại ở mức 11,32 nghìn tỷ, chiếm 0,18% GDP, trong khi các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore đều ở mức 0,65 đến 0,75% GDP, và con số đầu tư của chúng ta chỉ bằng gần 9% ngân sách của một đại học hàng đầu của Trung Quốc như: Đại học Thanh Hoa. Đất nước còn khó khăn, ngân sách Nhà nước còn phải chi cho nhiều nội dung phát triển, và vì vậy, có lẽ khác với giai đoạn trước kia đầu tư dàn trải, trong giai đoạn hiện tại đầu tư phải đi kèm trách nhiệm giải trình, với cam kết đầu ra được đo lường cụ thể, và đơn vị đào tạo, nghiên cứu nào hoạt động càng hiệu quả thì càng nhận được nhiều sự đầu tư để tiếp tục phát huy hơn nữa, làm đầu tàu để cả hệ thống vươn lên.(2) KIẾN NGHỊ THỨ HAI là ưu tiên phát triển đào tạo các ngành STEM gắn kết với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
Các ngành các lĩnh vực công nghệ mới liên tục ra đời ở thời điểm hiện tại và sẽ còn nhiều và nhanh hơn nữa trong tương lai, nhưng các ngành, các lĩnh vực này đều được phát triển trên nền tảng kiến thức của các ngành KHCN cơ bản, cốt lõi mà có thể được gọi chung là các ngành STEM (viết tắt Tiếng Anh của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán). Chính vì vậy song song với việc mở các chương trình đào tạo cho các ngành công nghệ có nhu cầu cấp thiết trước mắt, ví dụ: AI và bán dẫn, thì chúng ta cần đầu tư căn cơ vào cái gốc STEM, tạo dựng nền tảng lý thuyết và thực tiễn vững chắc, và từ nền tảng này việc chuyển sang thích ứng và làm chủ các công nghệ mới, công nghệ chiến lược sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn: thay vì 4-5 năm thì chỉ cần 1-2 năm là đã có một lứa nhân lực công nghệ mới, chất lượng cao sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.
Ngoài ra việc phát triển nghiên cứu và ĐMST trong trường đại học cũng rất quan trọng, trường ĐH không chỉ là cái nôi đào tạo, mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra tri thức và công nghệ, trên cơ sở nguồn nhân lực trẻ dồi dào, thì đó chính xác phải là trung tâm của Hệ sinh thái KHCN và ĐMST. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà hoạt động này tại các trường đại học chưa được thực hiện một cách hiệu quả, với nội dung này, xin phép được có một số ý kiến như sau: Thứ nhất, cần thay đổi toàn diện cơ chế quản lý các chương trình, đề tài KHCN các cấp, chuyển sang cơ chế quỹ, với mô hình quản trị hiện đại, thoát khỏi tư duy quản lý các đề tài khoa học như các dự án đầu tư, vốn không phù hợp với bản chất của hoạt động KHCN và ĐMST. Thứ hai, với lực lượng nghiên cứu, cần coi nghiên cứu sinh, và thậm chí học viên cao học là lực lượng nghiên cứu quan trọng, vì vậy, chúng ta cần có cơ chế học bổng, hay trả lương nghiên cứu, kèm hỗ trợ về dự án/đề tài khoa học tương tự như các nước phát triển để các nhà khoa học trẻ yên tâm cống hiến cho KHCN. Có lẽ chúng ta là một trong số ít nước mà NCS vẫn phải đóng học phí, tự trang trải cuộc sống và hầu như không nhận được các hỗ trợ trong quá trình triển khai đề tài. Thực tế này dẫn tới đào tạo sau đại học, đặc biệt trong khối ngành khoa học – kỹ thuật – công nghệ ở trong nước chưa được như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng, và đang làm trầm trọng hơn sự chảy máu chất xám, trong khi đội ngũ nghiên cứu thì ngày càng mỏng. Thứ ba, khơi thông nguồn kinh phí cho hoạt động NCKH từ các doanh nghiệp, hiện tại theo Luật KHCN các doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KHCN, tuy nhiên sự thiếu rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn đã cản trở việc khơi thông nguồn kinh phí lớn và quan trọng này cho phát triển KHCN và ĐMST phục vụ chính cho doanh nghiệp và cộng đồng.(3) KIẾN NGHỊ THỨ BA: thu hút nguồn lực bên ngoài phát triển nhanh chóng đội ngũ KHCN trình độ quốc tế
Ví dụ của công ty sản xuất phương tiện di chuyển xanh nói trên cũng như quan sát môn thể thao yêu thích của chúng ta: bóng đá, sẽ cho chúng ta những bài học trong phát triển hệ thống giáo dục đại học (GDĐH). V-League có lẽ không trở nên hấp dẫn như hiện tại, Đội tuyển bóng đá Quốc gia có lẽ sẽ không đạt được nhiều bước tiến nhảy vọt về thành tích như giai đoạn vừa qua, cũng như cầu thủ Việt Nam sẽ không thể nhanh chóng nâng cao kỹ năng, thể lực và bản lĩnh như hiện tại nếu không có sự tham gia của cầu thủ, HLV nước ngoài trong đó có không ít người là Việt Kiều được trưởng thành từ các nền bóng đá tiên tiến.
Phát triển đào tạo, KHCN nói chung, hay GDĐH nói riêng cũng như vậy, kinh nghiệm từ các nước Đông Á đi trước cho thấy, nguồn lực bên ngoài, đặc biệt từ những người đang sinh sống ở nước ngoài là một nguồn tài nguyên quý giá mà nếu khơi thông sẽ đem lại rất nhiều giá trị. Người chung một dòng máu mà lại là người tài thì thực ra họ không cần nhiều chế độ đãi ngộ, mà họ cần được tin tưởng giao những công việc khó, công việc thách thức trong một môi trường chuẩn mực quốc tế, nơi giá trị quan trọng nhất là kết quả và chất lượng công việc. Người tài về thành công sẽ kéo thêm nhiều người tài nữa và chắc chắn sẽ hình thành một làn sóng quay về phát triển đất nước, vì có lẽ không gì hạnh phúc bằng được nhìn thấy thành quả công việc của mình ngày ngày tạo ra những tác động tích cực, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào của mình.
Hiện tại, tại trường đại học của chúng tôi cũng đang tích cực thực hiện theo hướng này và từ kinh nghiệm triển khai xin phép được có một số kiến nghị: Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng các chương trình tài trợ để các cơ sở đại học có kinh phí tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế tài năng, trong đó, ưu tiên đối tượng là người Việt ở nước ngoài. Việc này có thể thực hiện thông qua tài trợ xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm. Thứ hai, cần ban hành các quy định và hướng dẫn chi tiết về tuyển dụng, cũng như các tiêu chí để xác định mức lương với các nhà khoa học quốc tế. Thứ ba, cho phép các Đại học (có thể thí điểm với các đại học trọng điểm) xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, coi các chức danh nghề nghiệp GS/PGS như các vị trí việc làm trong một đại học. Đội ngũ GS, PGS đóng vai trò quan trọng nhất trong các trường đại học, để thu hút nhân tài (nhất là người Việt ở nước ngoài) về làm việc tại các trường đại học, ngoài chế độ đãi ngộ, môi trường và điều kiện làm việc, cần chế độ, chính sách bổ nhiệm thông thoáng. Thật khó khi để một nhà khoa học đã thành danh ở nước ngoài với vị trí GS/PGS nhưng về nước vẫn phải trải qua quy trình thẩm định đặc thù Việt Nam theo các đợt xét duyệt để được công nhận.
Dù còn những vấn đề phải xem xét và tinh chỉnh như mọi xã hội đang phát triển, nhưng có thể nói Đất nước chúng ta đang hội tụ thế và lực, với nhiều cơ hội để vươn lên trong kỷ nguyên mới, và nếu đầu tư hạ tầng đã đem đại lộ sinh đại phú thì chúng ta có thể kỳ vọng và tin tưởng rằng đầu tư cho đại học sẽ góp phần tạo ra đại nghiệp cho đất nước.Xin trân trọng cám ơn và kính chúc Quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!