TĂNG CƯỜNG LỢI THẾ CẠNH TRANH DỰA TRÊN CÔNG NGHỆ SỐ, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG MỌI MẶT HOẠT ĐỘNG

TĂNG CƯỜNG LỢI THẾ CẠNH TRANH DỰA TRÊN CÔNG NGHỆ SỐ, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG MỌI MẶT HOẠT ĐỘNG

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của PGS. TS. Tạ Hải Tùng – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện CNTT&TT – tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025, với tiêu đề:

Tăng cường lợi thế cạnh tranh dựa trên công nghệ số, tạo đột phá trong mọi mặt hoạt động

Kính thưa Toàn thể Đại hội,
Hai mươi chín Đại hội đã qua, và chúng ta có thể tự hào về những thành quả mà các thế hệ cán bộ, và sinh viên Bách khoa đã dày công vun đắp, để chúng ta có được vị thế trong và ngoài nước như ngày hôm nay. Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXX đến rất đúng thời điểm, khi các yếu tố thời đại đặt đất nước với từng tổ chức và mỗi cá nhân, trong đó có ĐHBK HN và mỗi cán bộ Đảng viên chúng ta, trước những thách thức và cũng là thời cơ mới. Bối cảnh trong và ngoài nước đang thay đổi nhanh chóng, môi trường giáo dục ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của các mô hình mới, năng động và thích ứng nhanh chóng với thời cuộc, cũng như sự cạnh tranh đã không còn chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia, điều này càng làm cho nhiệm vụ của chúng ta trong giai đoạn hiện nay khó khăn thêm gấp bội. Tuy nhiên, trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội lớn, và cơ chế tự chủ đại học dù đang dần hoàn thiện, nhưng cũng tạo ra tiền đề rất tốt cho sự phát triển đột phá. Đây có thể nói chính là điều kiện cần, và phải chăng điều kiện đủ, chính là cách tiếp cận đổi mới sáng tạo (ĐMST), là tư duy đột phá của chính chúng ta trong phát triển mọi mặt hoạt động của Nhà trường. Vì chắc chắn, trước khi có thể góp phần ĐMST đất nước, chúng ta cần phải ĐMST chính mình. Và một trong những nền tảng cho ĐMST thành công chính đến từ việc triển khai và ứng dụng công nghệ số, khởi động và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số sâu rộng các hoạt động của Nhà trường.

Chuyển đổi số bắt đầu từ số hóa thông tin (digitization), số hóa quy trình (digitalization), và cuối cùng là việc thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất với các công nghệ số (digital transformation) (*). Trải nghiệm không mong muốn COVID-19, với 3745 lớp học trực tuyến, thực hiện trong gần 70.000 tiết học online, đã đem lại cho mỗi chúng ta cơ hội để cảm nhận đầy đủ về tiến trình này. Việc chuẩn bị bài giảng dưới dạng thức điện tử là số hóa thông tin, việc tổ chức giảng dạy trên các hệ thống elearning, hay hội thảo trực tuyến như Moodle, Teams, Zoom… chính là số hóa quy trình, và việc các bộ phận chức năng liên tục ra các văn bản thông báo, hướng dẫn, bổ sung quy định, quy chế; các hoạt động thanh tra, đảm bảo chất lượng được biến đổi thích ứng với lớp học ảo; hay các trao đổi hỏi đáp, yêu cầu công nhận học và thi trực tuyến của thầy và trò… chính là phần mở đầu của câu chuyện Chuyển đổi số.

Với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ thu thập, xử lý dữ liệu, sự gia tăng chóng mặt về mặt hiệu năng của các hạ tầng tính toán thì đây là một quá trình không thể đảo ngược, và tổ chức nào tận dụng tốt thời cơ của chuyển đổi số thì có tiềm năng rất lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động, và gia tăng sức cạnh tranh. Theo kinh nghiệm trên Thế giới, chuyển đổi số thành công thì không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà chính là sự nhận thức về tính cấp thiết cần phải thực hiện quá trình này đối với mọi thành viên của một tổ chức. Từ nhận thức này, tổ chức phải xây dựng được chiến lược và lộ trình triển khai chuyển đổi số phù hợp với đơn vị mình, trên cơ sở cân nhắc giữa nguồn lực và nhu cầu. Trong các năm vừa qua, Nhà trường đã đạt được một số thành tựu trong việc đưa vào hoạt động các hệ thống thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý, như: các hệ thống quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý cơ sở vật chất, quản lý khoa học công nghệ, hệ thống tài chính – kế toán, hệ thống b-learning… Theo kế hoạch, tới đây các hệ thống sẽ được thống nhất về kiến trúc, liên thông về dữ liệu, để không những tối ưu quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phân hệ, mà còn tạo điều kiện xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất, kết hợp với triển khai các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cung cấp các thông tin hữu ích nâng cao hiệu quả các hoạt động trong Nhà trường, trong đó, đặc biệt các hoạt động dự báo, xây dựng chính sách và ra quyết định. Có thể ví dụ: khi dữ liệu quản lý CSVC liên thông với dữ liệu tuyển sinh, dữ liệu quản lý đào tạo, dữ liệu về tình hình tài chính, thì ta hoàn toàn có thể biết được hiệu quả sử dụng phòng học hiện tại thế nào? Còn tối ưu hơn nữa được không? Đến học kỳ nào sẽ xảy ra hiện tượng quá tải? đến khi nào cần phải xây dựng, bổ sung thêm CSVC, và với tình hình tài chính như hiện tại thì các phương án thế nào? Hay ví dụ khác, thông tin về quá trình học tập của sinh viên tại Trường, bao gồm điểm số đầu vào, diễn biến điểm số trong quá trình học, cùng với thông tin về sự chuyên cần sẽ được thu thập, phân tích và đánh giá, để từ đó có thể tư vấn một cách tự động lộ trình học tập, đưa ra các ngưỡng cảnh báo, cũng như các giải pháp hỗ trợ kịp thời…

Nhưng chuyển đổi số đối với ĐHBK HN không chỉ là câu chuyện thay đổi trong quản trị, nâng cao hiệu quả và gia tăng sức cạnh tranh, mà còn là câu chuyện của chuyển đổi số các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật, lan tỏa các ưu việt của chuyển đổi số trong thay đổi diện mạo KHCN, và cuối cùng là KTXH đất nước. Có thể nói rằng, chuyển đổi số một lần nữa đặt CNTT vào vai trò như là hạ tầng và công cụ thiết yếu để phục vụ các lĩnh vực khác nâng cao hiệu quả và tối ưu hoạt động. Nếu như trước đây 30 năm, sự ra đời của các công cụ mô phỏng sử dụng máy tính đã làm thay đổi căn bản mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thì với các công cụ và nền tảng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo hiện nay, một lần nữa các lĩnh vực này lại đứng trước một cơ hội lớn để chuyển đổi số, và tận dụng cơ hội của nó để phát triển lên một tầm cao mới. Có thể kể đến một số ví dụ về chuyển đổi số các lĩnh vực tiêu biểu như: việc quản lý và điều hành lưới điện thông minh để tối ưu việc truyền dẫn, phân phối điện năng giữa nhà sản xuất và hộ tiêu thụ; việc ứng dụng AI trong công nghệ vô tuyến nhận thức cải thiện rõ rệt hiệu suất sử dụng phổ tần trong truyền thông; việc triển khai các giải pháp nhà máy thông minh kết hợp công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ kết nối, công nghệ thu thập và xử lý dữ liệu lớn nhằm tối ưu và nâng cao hiệu quả sản xuất; ứng dụng công nghệ học máy, công nghệ xử lý, khai phá dữ liệu lớn trong tin sinh học để giải quyết các vấn đề nghiên cứu nền tảng trong sinh học; ngoài ra còn rất nhiều các ví dụ tương tự trong các lĩnh vực hóa học, vật lý, vật liệu, nhiệt lạnh, môi trường, dệt may, kinh tế quản lý… Với vai trò là Viện chuyên ngành đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT&TT, chúng tôi luôn mong muốn được cùng chung sức với các khoa – viện đào tạo và nghiên cứu trong Trường để cùng kết nối, hợp tác và nâng tầm sản phẩm đào tạo và KHCN của Nhà trường.

Và cuối cùng, chắc hẳn các đồng chí cũng cùng chia sẻ một niềm tin vững chắc rằng, với vị thế là một trường đại học hàng đầu, đa ngành, đa lĩnh vực, chuyển đổi số thành công tại ĐHBK Hà Nội là tiền đề quan trọng để lan tỏa ra các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với DNA tiên phong từ ngày đầu thành lập, với nguồn lực con người quý giá, và với tất cả sự khiêm tốn của người BK, chúng ta có thể tự tin rằng: chuyển đổi số tại Việt Nam nên và phải bắt đầu từ ĐHBK Hà Nội.

Xin cám ơn và kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

(*) Hồ Tú Bảo, “Chuyển đổi số thời Covid-19“, Tạp chí Tia sáng, 4/2020. Lần cuối truy cập: 29/05/2020.