Có 6 bài báo quốc tế khi chưa tốt nghiệp đại học, trong đó 2 bài đạt “rank A”, Nguyễn Năng Hưng được xem là trường hợp “khủng” của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Mới đây, Nguyễn Năng Hưng (sinh năm 2000), tân kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin Việt – Nhật, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận tin giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của Chính phủ Nhật Bản. 10X sẽ bắt đầu hành trình tại Đại học Tokyo – ngôi trường số 1 đất nước này vào ngày 1/4 tới.
Mỗi lựa chọn là một trải nghiệm
Năng Hưng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội vào tháng 10/2023 với GPA đạt 3.58/4.0. Ở mức “suýt soát” tấm bằng Xuất sắc nhưng Hưng chưa từng cảm thấy tiếc nuối về quãng thời gian sinh viên.
“Tại Bách khoa thường có hai kiểu sinh viên, gồm tuýp người sẽ tập trung toàn bộ thời gian vào việc học và thường tốt nghiệp với điểm số rất cao, thậm chí có những bạn đạt tới mức 3.8 – 3.9. Kiểu người thứ 2 sẽ vừa học, vừa tham gia các hoạt động khác như đi làm thêm, hoạt động Đoàn đội… Còn em, trong 5 năm tại ĐH Bách khoa Hà Nội, em dành khá nhiều thời gian ở trong phòng lab”, Hưng nói.
Khi mới vào trường, Hưng chưa từng nghĩ tới việc sẽ đi theo “con đường nghiên cứu”. Hết năm Nhất, trong một buổi trao đổi, Hưng gặp PGS.TS Nguyễn Phi Lê (hiện là Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội). Khi ấy, PGS Phi Lê giới thiệu tới các sinh viên về lab và các đề tài nghiên cứu lab đang thực hiện. Cảm thấy thích thú, Hưng đăng ký tham gia.
Là sinh viên năm Nhất chưa được tiếp xúc nhiều với các môn chuyên ngành, phần lớn thời gian đầu, Hưng tập trung tìm hiểu và xây dựng các kiến thức nền tảng xoay quanh lĩnh vực nghiên cứu là truyền tin trong mạng cảm biến. Việc để hiểu quy trình một bài báo, các phương pháp tiếp cận và tìm ra hướng cải tiến… đều là những thứ mới mẻ với Hưng ở thời điểm đó.
“Nhưng cũng giống như việc tập gym, nghiên cứu không phải hành trình cho ra kết quả ngay mà là một quá trình, thậm chí phải mất vài năm mới có công bố quốc tế. Cũng giống như việc tập gym, nhiều sinh viên không trụ lại ở các phòng lab sau 1 đến 2 tháng đầu tiên”, Hưng nói.
Hưng cũng nhận thấy, lợi thế của người trẻ là sẵn sàng đương đầu với cái mới, sẵn sàng học hỏi và không ngại thay đổi. Vì thế, đến năm 2021, sau 2 năm học hỏi và trau dồi, Hưng có công bố đầu tiên với vai trò là đồng tác giả.
“Em được dẫn dắt rất nhiều ở những bài báo đầu tiên. Nhưng cũng nhờ đó, em có được những kỹ năng cần thiết để tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người đi trước”.
Từ những kết quả đầu tiên, nam sinh bắt đầu đi nhanh hơn trên hành trình nghiên cứu. Trong năm thứ 3 đại học, Hưng có 2 công bố với vai trò tác giả chính và đồng tác giả liên quan đến mạng cảm biến cho xe tự hành. Từ năm thứ 4, nam sinh chuyển hướng nghiên cứu, giải quyết vấn đề liên quan đến AI.
“Đó là một phương pháp trao đổi giữa các máy tính để huấn luyện ra mô hình AI có khả năng xử lý cao. Thực tế hiện nay, việc phải thu thập dữ liệu người dùng là điều gần như không thể tránh khỏi khi muốn có một mô hình trí tuệ nhân tạo hiệu quả cao, tuy nhiên điều này cũng đặt ra các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.
Để giải quyết điều này, nghiên cứu của em đề xuất một mô hình giúp dữ liệu của người dùng không cần phải tập trung và sẽ được xử lý phân tán thông qua việc phân cụm dữ liệu”.
Bài báo này của Hưng sau đó được chấp nhận đăng tại Hội nghị ICPP’22 (Rank A) vào năm 2022. Cũng từ bài báo này, nhận thấy vẫn có một vài nhược điểm trong quy trình xử lý, Hưng phân tích các lý thuyết liên quan và tiếp tục cải tiến. Năm thứ 5, Hưng hoàn thành nghiên cứu về việc làm thế nào để máy tính cùng mạng có thể trao đổi với nhau, tạo ra mô hình AI. Đây cũng là bài báo Hưng là tác giả chính, được lọt vào top những bài báo xuất sắc nhất hội nghị CCGRID’23 (Rank A) và trình bày trực tiếp tại Bangalore (Ấn Độ).
Song song với việc làm nghiên cứu, Năng Hưng cũng dành thời gian để cân bằng việc học. “Với những môn chuyên ngành, em thường cố gắng tập trung học để có nền tảng vững chắc, nhờ đó một số kỳ đạt GPA tuyệt đối”, Hưng nói.
Biết ơn những “khủng hoảng” thời sinh viên
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi, Hưng đứng giữa lựa chọn nên học tiếp hay đi làm ngay. 10X nhớ về “khủng hoảng” mình gặp phải khi vừa vào lab, cũng là thời điểm bắt đầu được tiếp cận sâu với các kiến thức chuyên ngành.
“Vốn dĩ, IT là ngành có “tuổi nghề” khá thấp. Khác với một người thợ cơ khí có thể dùng kiến thức của mình kiếm sống cho đến tận khi nghỉ hưu, ngành IT lại có sự đào thải sớm. Nếu chỉ học code và làm về code, sau 5-10 năm, giá trị của mình với doanh nghiệp sẽ giảm sút và bị đào thải rất nhanh. Điển hình như làn sóng sa thải các vị trí IT ở Mỹ giữa năm 2023 và ở Việt Nam cuối năm 2023”.
“Làm thế nào để duy trì giá trị của mình lâu nhất có thể?” là câu hỏi em vẫn luôn trăn trở ngay từ khi mới vào trường. Thực tế cũng cho em thấy, suy nghĩ của bản thân trước đây là chính xác. ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn ra đời đã chứng tỏ khả năng xử lý vấn đề tốt con người trong nhiều tác vụ. Việc AI sẽ sớm thay thế lực lượng lao động giản đơn và một phần lao động trung bình cao là không thể tránh khỏi.
Em nghĩ rằng mình phải đi theo con đường dù khó nhưng đảm bảo bản thân sẽ luôn được làm mới, là người có giá trị và có thể cống hiến cho cộng đồng, doanh nghiệp”.
Vì lý do này, sau khi tốt nghiệp, Năng Hưng quyết định tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn “apply” theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ của Hưng diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 3 tháng. Trước khi nộp hồ sơ, nhờ sự kết nối của PGS.TS Nguyễn Phi Lê, Hưng có cơ hội trao đổi, phỏng vấn và may mắn được một giáo sư tại Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) nhận vào lab.
Hưng cho rằng, trước khi nộp hồ sơ theo diện học bổng chính phủ, ứng viên nên tìm hiểu hướng nghiên cứu và liên hệ trước với giáo sư mình quan tâm. “Nếu chưa có giáo sư nào nhận vào lab, khả năng trượt ở vòng phỏng vấn của ứng viên sẽ rất cao”.
Ngoài ra, trong bài luận, theo Hưng ứng viên nên chia sẻ chi tiết về định hướng nghiên cứu, các kinh nghiệm nghiên cứu và số lượng công bố; sức ảnh hưởng của đề tài như thế nào đối với xã hội; đề tài khó ở chỗ nào và cần sự nghiên cứu ra sao. Ngoài ra, ứng viên cũng nên chia sẻ cụ thể kế hoạch sẽ thực hiện trong các năm theo học tại Nhật và nhấn mạnh bản thân có khả năng thực hiện điều đó.
“Điều quan trọng, ứng viên cần thể hiện sự chuẩn bị kỹ càng và có kế hoạch học tập bài bản. Nhận thấy sự quyết tâm từ ứng viên, hội đồng xét duyệt sẽ đồng ý trao học bổng”.
Ngày 1/4 tới, Năng Hưng sẽ bắt đầu hành trình du học tại Nhật Bản. Nhìn lại chặng đường đã qua, Hưng nhận thấy rằng khủng hoảng không phải lúc nào cũng xấu. Đôi khi, khủng hoảng là cơ hội giúp bản thân mỗi người nhận ra cần phải thay đổi, làm những điều khác đi để nâng cao giá trị bản thân.
“Khủng hoảng em từng gặp phải là nỗi lo bị lỗi thời, không có ích cho thị trường lao động. Khi gặp những khủng hoảng ấy, em nghĩ rằng nếu cởi mở đón nhận và sẵn sàng lắng nghe lời khuyên từ những người xung quanh, chắc chắn sẽ có phương án giải quyết phù hợp”.