SOICT YEAR-END REVIEW 2019

SOICT YEAR-END REVIEW 2019

Năm 2019 là năm thứ ba Nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, và cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ban Lãnh đạo Viện mới (2018-2023). Trong năm vừa qua, với sự chung sức của tập thể cán bộ Viện, sự hỗ trợ của các đơn vị trong Trường, với sự định hướng trong chiến lược phát triển chung của Nhà trường, Viện CNTT&TT đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong tất cả các mảng hoạt động: đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, và hoạt động đoàn thể. Chi tiết tình hình hoạt động của Viện đã được Viện trưởng trình bày tại Hội nghị Cán bộ Viên chức năm 2019, diễn ra vào tháng 1/2020

Video: Tổng kết các hoạt động năm 2019 của Viện (được chiếu tại SoICT Night 2019)

Dưới đây một số điểm nhấn và số liệu quan trọng nhất được “highlight” để cán bộ và sinh viên có thể chia sẻ cùng với Viện, và qua đó thêm quyết tâm phấn đấu đạt nhiều thành công hơn nữa trong năm 2020:

Về đào tạo: 

  • Hệ thống hóa lại các chương trình đào tạo theo 3 chuyên ngành chính: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Khoa học Dữ liệu;
  • Mở chương trình đào tạo mới: IT-E10 Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, và ngay lập tức trở thành chương trình đào tạo “nóng” nhất mùa Tuyển sinh 2019;
  • Tuyển sinh 2019 thành công:
    • Hai ngành đào tạo có điểm đầu vào cao nhất Toàn quốc:
      • 27,42 điểm: IT1 – Khoa học Máy tính,
      • 27 điểm: IT-E10 – Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo;
    • Các chương trình đào tạo còn lại, sinh viên thuộc Top1% điểm cao nhất khối A toàn quốc;
    • Lần đầu tiên tỷ lệ sinh viên Hệ tiên tiến, chương trình cập nhật, và học bằng tiếng nước ngoài (Elitech) vượt tỷ lệ sinh viên hệ chuẩn: 53% / 47%;
  • Hoàn thiện chương trình đào tạo mới, trong đó tăng gần 30% thời lượng giờ thực hành cho sinh viên hệ chuẩn.

Về nghiên cứu khoa học: 

  • Số lượng công bố ISI/Scopus: tăng 100%;
  • Số lượng đề tài/dự án được phê duyệt mới: 09;
  • Số lượng kinh phí nghiên cứu được phê duyệt: 35 tỷ (gấp 1,6 lần các năm trước cộng lại), từ các nguồn tài trợ rất cạnh tranh: Chương trình Nhà nước KC 4.0, Bộ Giáo dục và Đào tạo, VinGroup (VinIF, VinTech), Quân đội Mỹ, ASEAN-IVO, KOICA-IBS, Samgsung, IBM…
  • Tổ chức thành công Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN), phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, và Báo Điện tử VnExpress: sự kiện lớn nhất về AI tại Việt Nam trong năm 2019 với sự tham dự của hơn 100 chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, và hơn 1500 người tham dự trong 3 ngày của Ngày hội;
  • Tổ chức thành công Hội thảo SoICT lần thứ 10: với 160 công trình của các nhà khoa học đến từ 28 nước trên khắp TG: Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc… gửi bài đến Hội thảo, với 6 keynotes của các nhà KH hàng đầu TG, với kỷ yếu được Hiệp hội Máy tính Hoa Kỳ (ACM), WoS (ISI), Scopus lưu trữ và đánh chỉ mục, SoICT đã là hội thảo quốc tế về ICT lớn nhất Việt Nam được tổ chức liên tục hàng năm.
  • Giải Nhân tài Đất Việt 2019:
    • Giải nhì: “Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh – DASCAM)” của nhóm nghiên cứu Trung tâm Cyber Security thuộc Viện, do TS. Trần Quang Đức là trưởng nhóm;
    • Giải khuyến khích: “V-Chain: Nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung dựa trên công nghệ Blockchain” của nhóm nghiên cứu Bộ môn Hệ thống Thông tin thuộc Viện, do TS. Nguyễn Bình Minh là trưởng nhóm.

Về hợp tác đối ngoại: 

  • Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ (Trung tâm Đổi mới sáng tạo): đơn vị đầu mối các hoạt động hợp tác doanh nghiệp của Viện;
  • Thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp hợp tác với Viện: với hơn 200 thành viên, hỗ trợ Viện trong các hoạt động đào tạo, thực tập doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ;
  • Đưa vào hoạt động Hệ thống hỗ trợ hoạt động hợp tác doanh nghiệp
    • Hệ thống Quản lý doanh nghiệp đối tác,
    • Hệ thống Phân công và đánh giá thực tập của sinh viên;
  • Mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia:
    • Samsung: tiếp tục các hợp tác trong đào tạo, cung cấp học bổng, và hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo – nghiên cứu khoa học,
    • IBM: hợp tác phát triển chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo công nghệ mới,
    • Amazon Web Services: tài trợ sinh viên tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Techfest 2019;
  • Mở rộng hình thức đào tạo song bằng (double-degree):
    • Đào tạo cử nhân song bằng: với Đại học Uppsala (Thụy Điển) và Đại học Aizu (Nhật Bản)
    • Nghiên cứu sinh đầu tiên tốt nghiệp với hình thức song bằng: được cấp bởi ĐHBK HN và ĐHBK Torino (Italia): TS. Nguyễn Đình Thuận.

Về cơ sở vật chất:

  • Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của Viện tại Tòa nhà B1;
  • Chuyển khu làm việc Tầng 8, Thư viện Điện tử về B1: chuyển đổi thành cơ sở vật chất của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo;
  • Chuyển Trung tâm Máy tính từ Tòa nhà D5 về B1: tạo bước thay đổi căn bản về quản lý, điều hành, và triển khai các hoạt động thực hành, thí nghiệm của Viện;
  • Xây dựng các không gian làm việc chung (co-working labs), và không gian sinh hoạt chung: phục vụ trực tiếp cán bộ và sinh viên của Viện, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc và đời sống.

Về công tác cựu sinh viên: 

  • Mở rộng hợp tác với Mạng lưới Cựu Sinh viên Việt Nam tại Silicon Valley (Mỹ): xây dựng chương trình “BK to Silicon Valley” tìm kiếm cơ hội để sinh viên của Viện sang thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Thế giới: Google, Facebook, Microsoft, Amazon, Adobe…