ĐẦU TƯ CHO NCKH VÀ ĐT TRÌNH ĐỘ CAO TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC: ĐIỂM ĐỘT PHÁ TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VN

ĐẦU TƯ CHO NCKH VÀ ĐT TRÌNH ĐỘ CAO TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC: ĐIỂM ĐỘT PHÁ TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VN

(Toàn văn bài phát biểu của PGS. TS Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện CNTT&TT tại Buổi gặp mặt trí thức tổ chức bởi Ban Tuyên giáo Trung ương nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5)
Kính thưa Ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Kính thưa Ông Vũ Đức Đam – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa Quý vị,
Hiện tại khi nói về trào lưu dịch chuyển công nghệ, trên Thế giới sử dụng thuật ngữ Chuyển đổi số (Digital Transformation) nhiều hơn là Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hay Công nghiệp 4.0. Vì với họ, trào lưu “tự động hóa kết hợp thông minh hóa” này là một tiến trình chuyển đổi tự nhiên sau giai đoạn số hóa (Công nghiệp 3.0) và việc chuyển đổi này không chỉ tác động đến công nghiệp, mà còn tác động đến mọi khía cạnh của đời sống: thể chế, luật pháp, và thậm chí cả đạo đức. Trong đó, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật – công nghệ, và đặc biệt nguồn nhân lực trình độ cao của mỗi quốc gia là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của quá trình chuyển đổi này.
Một số báo cáo phân tích đã dự báo, việc ứng dụng tự động hóa và AI vào trong hệ thống sản xuất sẽ làm nhiều nghề nghiệp bị biến mất, số lượng người thất nghiệp tăng lên. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2017 tại 46 quốc gia (chiếm hơn 90% GDP toàn cầu), McKinsey đã đưa ra dự báo từ 400 triệu đến 800 triệu người trên Thế giới sẽ mất việc làm dưới tác động của tự động hóa và AI . Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử các cuộc CMCN trước đây, trong ngắn hạn thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng, nhưng sau đó là sự phục hồi và phát triển của thị trường lao động. Vì vậy, có thể nói các cuộc CMCN không tạo ra “job loss” mà thực tế tạo ra “job transformation”. Làm thế nào để công cuộc chuyển đổi nghề nghiệp này, mà rộng hơn là chuyển đổi số cả xã hội này được thành công? Câu trả lời nằm ở chính trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, và không thể không kể tới đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao không những thích ứng, mà còn có khả năng dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. Và để hiện thực hóa câu trả lời này đòi hỏi sự chung tay của 3 Nhà: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà trường.
Như phân tích ở trên, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Nếu như ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, các nước đang phát triển (các nước đi sau) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, và công nghệ nền tảng; vì vậy, rất khó để có vọt lên, nắm bắt và làm chủ trào lưu phát triển để có thể hưởng lợi từ sự phát triển của KHCN. Tuy nhiên, trong CMCN lần thứ tư, trong trào lưu chuyển đổi số, nơi công nghệ tiên tiến được lan tỏa đến khắp mọi nơi trên thế giới nhờ tiến bộ của KHCN và đặc biệt là Internet, thì vấn đề không phải là làm thế nào để tiếp cận, mà vấn đề chính là làm thế nào nhanh chóng làm chủ công nghệ, từ đó kết hợp với các ý tưởng đột phá để tạo ra các công nghệ, sản phẩm, và dịch vụ có giá trị, góp phần phát triển mạnh mẽ KT-XH đất nước. Vì vậy, có thể thấy rằng, chìa khóa cốt lõi nằm ở Khoa học Công nghệ, và Đổi mới Sáng tạo.
Tại Việt Nam, do công nghiệp còn chưa phát triển, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, với sản phẩm dịch vụ còn tương đối đơn giản, và đa phần dừng lại ở gia công sản phẩm. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gần đây đã xuất hiện các tập đoàn công nghệ lớn với tham vọng vươn lên mạnh mẽ, như: Viettel, VinGroup, FPT… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến các hoạt động phát triển nghiên cứu – phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, các trường đại học, nơi không chỉ đóng góp các ý tưởng công nghệ đột phá, mà còn đóng góp nguồn nhân lực không những giàu tiềm năng công nghệ, mà còn đầy sức trẻ với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, có thể được coi là “hạt nhân” của cả hệ sinh thái KHCN gắn kết với ĐMST. Ngoài ra, có thể nhấn mạnh rằng, trong suốt 20 năm qua, các chương trình học bổng đào tạo tại nước ngoài như: Đề án 322, Đề án 911…, đã đào tạo cho Đất nước hàng nghìn nhà khoa học có trình độ cao, nắm bắt được công nghệ tiên tiến của Thế giới. Điều này đã thể hiện tầm nhìn và sự hiệu quả trong đầu tư của Đảng và Nhà nước trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, đã đến lúc tận dụng trái ngọt đào tạo này thông qua các đầu tư về nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ một cách căn cơ và bài bản, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, đưa Đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Thêm vào đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại trường đại học còn là đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không những thích ứng mà còn có tiềm năng to lớn dẫn dắt sự phát triển về KHCN của Đất nước. Trong khi công nghệ có thể dễ dàng nhập khẩu, sản phẩm và dịch vụ cũng ngày càng thuận lợi hơn trong tiếp cận và sử dụng, thì phát triển đội ngũ nhân lực để tự chủ về công nghệ, dẫn tới sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến mới là vấn đề sống còn trong việc bắt kịp và vượt lên trong chuyến tàu chuyển đổi số. Nguồn nhân lực trình độ cao này đòi hỏi phải được tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến ngay từ khi ngồi trên ghế Nhà trường, được tham gia vào các đề tài / dự án nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm trong quá trình học, và đây được gọi là: học thông qua trải nghiệm, học thông qua giải quyết vấn đề, khâu cốt yếu trong đào tạo trình độ cao, đào tạo ra những “thủ lĩnh công nghệ” tương lai.
Vì vậy, có thể nói đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học đóng vai trò then chốt trong việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và đặc biệt tạo dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hàng ngày trên Thế giới, với kỳ vọng tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ và đột phá kinh tế – xã hội Đất nước.
Xin trân trọng cám ơn, và kính chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
THT, 5/2019.