Ban giám hiệu Trường

Thông tin chung


Sơ lược lịch sử: Khoa Công nghệ Thông tin (tiền thân của Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông ngày nay) – Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) được thành lập vào tháng 3 năm 1995, trên cơ sở sáp nhập 03 đơn vị thuộc Trường: Khoa Tin học, Phòng Thí nghiệm Chuyên đề Xử lý tin (Khoa Điện tử – Viễn thông), và Trung tâm Máy tính và Tin học Ứng dụng. Tại thời điểm thành lập, Khoa là một trong bảy khoa công nghệ thông tin trọng điểm được thành lập tại Việt Nam.

Ngày 19 tháng 5 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) trên cơ sở Khoa CNTT và Dự án Hỗ trợ Phát triển Đào tạo Đại học và Sau Đại học về CNTT&TT (Dự án HEDSPI) hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Trong lộ trình hội nhập quốc tế và tự chủ đại học của ĐHBKHN, vào đúng Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Đại học (15/10/2021), Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã được tổ chức lại và nâng cấp trở thành Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, cùng với Trường Điện – Điện tử, và Trường Cơ khí, trở thành 03 trường đầu tiên của tiến trình chuyển đổi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.

Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, Khoa CNTT trước đây, cũng như Trường CNTT&TT đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT&TT tại Việt Nam. Điều này được minh chứng rõ nét từ kết quả của các bảng xếp hạng đại học uy tín trên Thế giới. Theo công bố năm 2023 của Quacquarelli Symonds (QS), của Vương quốc Anh đưa ra theo lĩnh vực (QS ranking by subject 2023), lĩnh vực Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng Top 451-500 toàn Thế giới và tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong số các Trường đại học công lập tại Việt Nam.

Với xếp hạng này, Đại học Bách khoa Hà Nội sánh vai với một số trường đại học uy tín ở các nước phát triển tiên tiến, như: Iowa State University (Mỹ); City, University of London (Anh); École Centrale de Lille (Pháp); University of Gothenburg (Thụy Điển); LaTrobe University (Úc)…

Bước sang thời kỳ mới, ở những năm tháng 20 sung sức, Trường CNTT&TT đã và đang thực hiện các bước đổi mới mạnh mẽ ở tất cả các mặt, tận dụng thời cơ phát triển của lĩnh vực, hòa nhịp với sự chuyển mình của đất nước, để nhanh chóng phát triển theo các chuẩn mực quốc tế, sẵn sàng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc Chuyển đổi số ở Việt Nam, cũng như trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ICT uy tín hàng đầu khu vực.


Về đội ngũ và cơ cấu tổ chức: hiện nay Trường có lực lượng cán bộ đông đảo về số lượng, và mạnh về chất lượng, trong đó có 82% giảng viên có học vị Tiến sỹ (~90% tốt nghiệp tại các nước công nghiệp phát triển), và 21% có học hàm Phó Giáo sư. Trường cũng hợp tác và gắn kết với đội ngũ đông đảo các cán bộ thỉnh giảng là các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.

Đội ngũ các nhà khoa học của Trường hiện đang công tác tại:

  • 02 Khoa có chức năng quản lý chuyên môn đào tạo: (i) Khoa Khoa học Máy tính; và (ii) Khoa Kỹ thuật Máy tính;
  • 06 Trung tâm, trong đó:
    • 04 trung tâm nghiên cứu:
      • Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS);
      • Trung tâm An toàn – An ninh Thông tin (BKCS);
      • Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI); và
      • Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục (EdTech); cũng như
    • 02 trung tâm hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, và chuyển giao công nghệ:
      • Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ (Trung tâm Đổi mới Sáng tạo – Innovation Centre); và
      • Trung tâm Máy tính và Thực hành.

Về đào tạo: Trường đang cung cấp các chương trình đào tạo được phát triển dựa trên 03 ngành trụ cột của lĩnh vực CNTT&TT nói chung, đó là: Khoa học Máy tính (KHMT), Kỹ thuật Máy tính (KTMT), và Khoa học Dữ liệu (KHDL). Hiện tại, Trường đang cung cấp:

  • 02 chương trình đào tạo chuẩn: KHMT (mã IT1), và KTMT (mã IT2);
  • 05 chương trình đào tạo tiên tiến Elitech (giảng dạy bằng ngoại ngữ, với chương trình đào tạo hiện đại) thuộc hệ Elitech: CNTT Việt Nam – Nhật Bản (HEDSPI, mã IT-E5); CNTT Toàn cầu (Global ICT, mã IT-E6); CNTT Việt – Pháp (mã IT-EP); Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (DS-AI, mã IT-E10); và An toàn Không gian số (Cyber Security, mã IT-E15); và
  • 01 Chương trình Cử nhân Tài năng: ngành Khoa học Máy tính.

Với uy tín đã được gầy dựng, Trường luôn là địa chỉ đào tạo uy tín được các em học sinh và gia đình lựa chọn khi theo đuổi đam mê về CNTT&TT. Để đủ điểm vào học các chương trình đào tạo của Trường, thí sinh phải thuộc vào nhóm Top1% điểm khối A trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Với đầu vào tốt lại được sự giúp sức của các thầy cô giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm, các nhóm sinh viên của Trường luôn giành được giải cao nhất tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế về CNTT như: Olympic Tin học toàn quốc, Kỳ thi lập trình quốc tế ICPC, Sinh viên với An toàn thông tin, Lập trình Samsung… ICPC World Finals năm 2024 có sự tham gia của hơn 420 thí sinh, 142 đội tuyển đại diện cho tuổi trẻ sinh viên CNTT từ khắp các Châu lục. Các trường đại học danh tiếng như MIT, Stanford, Tsinghua, Bắc Kinh và nhiều trường khác đã góp mặt, tạo nên một môi trường cạnh tranh và học hỏi đa dạng. Trường CNTT&TT vinh dự là một trong 3 đội tuyển của Việt Nam góp mặt trong kỳ ICPC World Final lần này. Để lọt vào vòng World Finals, các đội tuyển đã phải trải qua một quá trình rèn luyện và thi đấu gian khổ từ cấp trường, đến vòng khu vực. Đặc biệt, các đội phải đạt được thành tích cao trong vòng thi khu vực Châu Á, nơi mà sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với nhiều đối thủ mạnh đến từ các nước trong khu vực. Sau 5 giờ thi đấu chính thức, đội tuyển của Trường CNTT&TT đã đạt thành tích cao, được xếp đồng hạng và trên những trường đại học tên tuổi khác như đại học Texas (xếp hạng 58 thế giới), Đại học Osaka (xếp hạng 80 thế giới), Đại học Công nghệ Nanyang (xếp hạng 26 thế giới).

Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: với đội ngũ các nhà khoa học mạnh cả về số lượng và chất lượng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của CNTT&TT, Trường hiện đang có nhiều tiềm năng để phát triển nghiên cứu khoa học, với định hướng: (i) hướng tới các chuẩn mực quốc tế, (ii) gắn kết với đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và quan trọng hơn hết, (iii) tạo ra các sản phẩm nghiên cứu chất lượng phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong những năm gần đây, Trường đã có những thành tựu khoa học công nghệ nổi bật, điển hình: số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được đánh chỉ mục ISI-Scopus năm sau tăng gấp đôi so năm trước liên tục trong 3 năm qua, dẫn tới tỷ lệ trung bình hơn 3 bài công bố ISI-Scopus/giảng viên; cán bộ Trường liên tục đạt các giải thưởng KHCN uy tín như: Giải Nhân tài Đất Việt, Giải Quả cầu vàng; và đặc biệt kinh phí nghiên cứu khoa học thu hút được luôn năm sau cao hơn năm trước, với nguồn kinh phí đa dạng và rất cạnh tranh như: Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia, Nghị Định thư, Đề tài Độc lập Cấp Nhà nước, Đề tài NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ; Đề tài Cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đề tài/Dự án tài trợ bởi các quỹ VinIF, VinTech của Tập đoàn VinGroup; Đề tài hợp tác quốc tế tài trợ bởi Horizon 2020, ERASMUS, US Army, Samsung, IBM…

Một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ Trường đã và đang có được chỗ đứng trên thị trường, và có những sản phẩm đã đi vào lịch sử phát triển CNTT nước nhà:

  • Phần mềm soạn thảo văn bản BKED, được phát triển bởi TS. Quách Tuấn Ngọc, khi đang là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐHBKHN: đây là một trong những phần mềm soạn thảo văn bản Tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam.
  • Phần mềm diệt virus máy tính BKAV, được phát triển bởi ThS. Nguyễn Tử Quảng, cán bộ giảng dạy Bộ môn Kỹ thuật Máy tính: đây là một trong những phần mềm diệt virus nổi tiếng, và phổ biến nhất tại Việt Nam.
  • Hệ thống định vị độ chính xác cao NAVISTAR, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm NAVIS, dẫn đầu bởi PGS. Tạ Hải Tùng, và PGS. Lã Thế Vinh. Sản phẩm đã được Giải nhất Nhân tài Đất Việt 2015, và hiện đang được chuyển giao công nghệ đến nhiều đơn vị trong cả nước.
  • Hệ thống tổng hợp tiếng nói Vbee, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Bộ môn Công nghệ Phần mềm. Sản phẩm đã được Giải nhất Nhân tài Đất Việt 2018, và hiện đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường;
  • Hệ thống máy quét vân tay thông minh BKCA triển khai trên Toàn quốc cho Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an, được phát triển bởi PGS. Lã Thế Vinh, TS. Hoàng Văn Hiệp, TS. Phạm Ngọc Hưng, TS. Nguyễn Đình Thuận, và PGS. Tạ Hải Tùng.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu hướng tới chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (startups, spinoffs), Trường đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, một đơn vị hỗ trợ và là đầu mối các hoạt động hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp của Trường.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đã 10 năm nay Trường tổ chức liên tục SoICT – Symposium On Information and Communication Technology – một hội thảo quốc tế về CNTT&TT đang ngày càng khẳng định được uy tín trong cộng đồng khoa học. Với 160 công trình của các nhà khoa học đến từ 28 nước trên khắp TG: Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc… gửi bài đến Hội thảo, với 6 keynotes của các nhà KH hàng đầu TG, với kỷ yếu được Hiệp hội Máy tính Hoa Kỳ (ACM), WoS (ISI), Scopus lưu trữ và đánh chỉ mục, SoICT đã là hội thảo quốc tế về ICT lớn nhất Việt Nam được tổ chức liên tục hàng năm.

Về hợp tác đối ngoại: Hợp tác quốc tế với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu uy tín tại các nước đang phát triển luôn là trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của Trường. Hàng năm, qua hợp tác trong khuôn khổ song phương – đa phương, ví dụ: các chương trình Erasmus với các đại học thuộc Liên minh Châu Âu, các chương trình trao đổi học giả – sinh viên với Viện Tin học Quốc gia Nhật Bản (NII), Đại học Sydney (UniSyd), Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Đại học Shibaura, Đại học Osaka (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Singapore (NUS)… Trường gửi hàng chục lượt giảng viên và sinh viên sang làm việc và học tập tại các trường đối tác, cũng như tiếp nhận ở chiều ngược lại nhiều giảng viên, nhà khoa học và sinh viên từ các nước tiên tiến sang giảng dạy và học tập ngắn hạn tại Trường. Trường cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Uppsala (Thụy Điển) và Đại học Aizu (Nhật Bản) để triển khai hợp tác đào tạo song bằng (double degree) 3+1 cho sinh viên: sinh viên học tại ĐHBK HN trong 3 năm, và sang học 1 đến 2 năm tại trường đối tác, sau đó sẽ nhận bằng do cả hai Trường cấp. Chương trình với Đại học Uppsala đã được triển khai trong 2 năm, và đang được đánh giá từ cả hai phía trước khi triển khai ở một mức độ mới trong các năm tiếp theo.

Thông qua hợp tác quốc tế, Trường đã thu hút được nhiều nguồn kinh phí phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, ví dụ: Chương trình Horizon 2020, Chương trình Erasmus (EU), Quỹ ASEAN IVO (Nhật Bản), Quỹ nghiên cứu của Quân đội Hoa Kỳ…

Ngoài hợp tác với các cơ sở đào tạo – nghiên cứu, Trường còn xây dựng một mạng lưới hợp tác rộng khắp với các tập đoàn, công ty hàng đầu trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam và trên Thế giới. Mạng lưới doanh nghiệp đồng hành với Trường hiện có hơn 200 doanh nghiệp, hỗ trợ Trường hiệu quả trong việc: (i) cung cấp cơ hội thực tập doanh nghiệp cho sinh viên; (ii) hỗ trợ đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo ngoại ngữ, (iii) hợp tác trong NCKH và chuyển giao công nghệ, (iv) cũng như tài trợ học bổng và kinh phí cho các hoạt động đào tạo và NCKH của sinh viên. Trường có sự hợp tác bền chặt với Samsung Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo, thực tập, giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất thí nghiệm. Trường cũng phát triển hợp tác chặt chẽ với IBM Việt Nam trong phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên tiếp cận các công nghệ tiên tiến, và sẵn sàng gia nhập thị trường lao động quốc tế đầy cạnh tranh. Từ năm 2020, Trường cũng thúc đẩy hợp tác với Tập đoàn NAVER (được mệnh danh là Google của Hàn Quốc), hai bên đã ký kết thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (BKAI) để hướng tới giải quyết các bài toán khoa học và công nghệ mà cải hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, không thể không nhắc tới hợp tác giữa Trường với các đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup, như: VinBigData, và VinIF; thông qua các hoạt động hợp tác và tài trợ giữa hai bên, từ năm 2019, Trường đã nhận được kinh phí gần 30 tỷ đồng từ Vingroup cho các hoạt động: đào tạo, nghiên cứu,  đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ sinh viên.

Về cựu sinh viên: Trải qua gần 30 năm phát triển, với uy tín của một đơn vị đào tạo CNTT&TT hàng đầu đất nước, Trường luôn thu hút được các sinh viên giỏi, nhiều người trong đó đã từng đạt các giải quốc gia, quốc tế. Đầu vào tốt, được cộng hưởng bởi chương trình đào tạo cập nhật, môi trường đào tạo cởi mở, giảng viên giỏi và yêu nghề, đây chính là các yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong tương lai của người học.

Có thể nói rằng, không doanh nghiệp CNTT quan trọng nào tại Việt Nam mà không có bóng dáng của kỹ sư CNTT Bách khoa tại các vị trí then chốt. Trong số các thủ lĩnh công nghệ đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Ông Dương Dũng Triều – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống FPT (FIS), Ông Ngô Diên Hy – Tổng Giám đốc Công ty VNPT-Media, Ông Vương Quang Khải – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Vinagame, Ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch và Tổng giám đốc BKAV, Ông Lữ Thành Long – Chủ tịch MISA, Ông Trần Việt Hùng – Nhà sáng lập Công ty GotIt, công ty khởi nghiệp (startup) đầu tiên của người Việt thành công tại Silicon Valley, Ông Nguyễn Hà Đông – cha đẻ của trò chơi Flappy Bird nổi tiếng toàn cầu…

Ngoài ra, Trường còn có một cộng đồng cựu sinh viên hàng trăm người đang làm việc tại Thủ phủ Công nghệ Thế giới – Thung lũng Silicon Valley, trong các tập đoàn công nghệ có sức ảnh hướng toàn cầu như: Google, Microsoft, Facebook, Amazon, Adobe…, và cũng một con số tương tự đang làm việc tại cường quốc công nghệ Nhật Bản, cũng như một cộng đồng không nhỏ đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ toàn cầu trải khắp 5 châu. Thêm vào đó, hàng năm, các sinh viên giỏi của Trường còn nhận được nhiều học bổng theo đuổi con đường sự nghiệp học vấn tại các nước phát triển: Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, và rất nhiều người trong số đó đã ở lại để trở thành các giáo sư, và nhà khoa học đang làm việc tại các trường đại học, và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên Thế giới.

Cũng không thể không nhắc tới các thành công về mặt Khoa học Công nghệ của các sinh viên / cựu sinh viên Bách Khoa, các giải thưởng CNTT uy tín như: Trí tuệ Việt Nam, Nhân tài Đất Việt, Sao khuê… năm nào cũng ghi nhận sản phẩm của CNTT Bách Khoa ở các vị trí cao nhất. Và rất nhiều trong đó được phát triển lên thành các dự án khởi nghiệp thành công, tạo ra các startup có giá trị, góp phần làm sống động phong trào Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Sự thành công của Cựu Sinh viên là bảo chứng đầu tiên cho chất lượng đào tạo của Trường. Nhưng không dừng lại ở đó, trong xu thế tự chủ và hội nhập của Giáo dục Đại học Việt Nam, dưới sự định hướng của Nhà trường, Trường đã chủ động các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng rõ nét đào tạo chất lượng cao, đào tạo ra các thủ lĩnh công nghệ (tech leaders) đóng vai trò chủ động, và dẫn dắt quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Với một đời người, những năm tháng tuổi 20 là thanh xuân tươi đẹp, tràn đầy nhựa sống, với nhiệt huyết và đam mê chinh phục các đỉnh cao, Trường CNTT&TT cũng như vậy. Với sức trẻ, nhiệt huyết của đơn vị và mỗi cá nhân, được tiếp sức bởi tầm nhìn dài hạn, và những chính sách cởi mở của Nhà nước và Nhà trường, và đặc biệt sự cộng hưởng của thời Chuyển đổi số, nơi tri thức và sức mạnh về khoa học và công nghệ là giường cột của mỗi quốc gia, có thể nói chưa bao giờ cơ hội cho các tiềm năng của Trường lại lớn như vậy.  “Enlightening Your Digital Future” – motto mới thể hiện rõ nét sự nhận thức về vai trò và sứ mệnh của Trường CNTT&TT trong kiến tạo quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua nghiên cứu làm chủ và sáng tạo ra các công nghệ mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp giàu mạnh, hiện đại, sáng tạo và nhân văn.

(*) Từ mùa tuyển sinh 2020, Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao PFIEV được cập nhật thành Chương trình CNTT Việt – Pháp (IT-EP).

(Cập nhật lần cuối: tháng 3/2022)