Chương trình đào tạo chuyên sâu Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI)

Chương trình đào tạo chuyên sâu Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU

KỸ SƯ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TẠO SINH (GENERATIVE AI)

Là chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực trong Trí tuệ Nhân tạo tạo sinh – lĩnh vực công nghệ đang gây sốt trên toàn cầu. Được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, chương trình không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng mà còn đặc biệt chú trọng đến kỹ năng thực hành thông qua nhiều môn học chuyên sâu và các dự án thực tế. Sinh viên sẽ có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp lớn nhằm nắm vững công nghệ và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Công nghiệp 4.0. Với mục tiêu đào tạo những kỹ sư trí tuệ nhân tạo tạo sinh chất lượng cao, chương trình kỹ sư GenAI sẽ mang lại hành trang vững chắc và cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho các bạn trẻ đam mê công nghệ.

Chương trình có mục đích đào tạo các chuyên gia trình độ cao về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Chương trình do các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI của Việt Nam và trên Thế giới thiết kế. Với định hướng đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù, sinh viên tham gia chương trình được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng về GenAI, song song với việc được chú trọng gia tăng thời lượng thực hành, cũng như học thông qua trải nghiệm tại hệ thống các Trung tâm và phòng lab nghiên cứu, cũng như tại các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực CNTT&TT trong và ngoài nước.

Đối tác đào tạo của chương trình là các tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon AWS. Đội ngũ cán bộ giảng dạy hầu hết được đào tạo bài bản từ các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, Hàn, … trong đó 100% cán bộ giảng dạy có bằng ThS trở lên: TS chiếm tỷ lệ 83,1%; PGS chiếm tỷ lệ 20.5%. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và phục vụ giảng dạy có trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm tốt trong đào tạo thực hành, thí nghiệm.

Hệ thống hạ tầng tính toán phục vụ thực hành của sinh viên bao gồm: Hệ thống siêu máy tính GPU gồm hai máy chủ DGX, mỗi máy được trang bị tới 8 GPU A100 80 GB hỗ trợ cơ chế GPUDirect; Hệ thống lưu trữ tốc độ cao bao gồm 3 nút Dell EMC PowerScale F600, với băng thông truy xuất lên đến 100 Gbps; Cụm tính toán RAPID với 24 nút với tổng năng lực tính toán khoảng 15 TFlops; Hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn NEC iStorage M310 với tổng dung lượng 500TB. Các hệ thống siêu máy tính này là các trang thiết bị tối cần thiết phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu GenAI.

TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH

Tên chương trình: Trí tuệ nhân tạo tạo sinh

(Generative Artificial Intelligence)

Trình độ đào tạo: Kỹ sư
Bậc đào tạo Tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam
Ngành đào tạo: Khoa học máy tính
Mã ngành: 7480101
Thời gian đào tạo: 1.5 năm
Bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Khoa học máy tính
Khối lượng kiến thức toàn khóa: 48 tín chỉ (đối với người học đã tốt nghiệp cử nhân đúng ngành và đã tích lũy tối thiểu từ 132 tín chỉ trở lên).

KIẾN THỨC ĐÀO TẠO

  • Chương trình được thiết kế theo chuẩn quốc tế với thời gian thực hành tại phòng lab tương đương thời gian học lý thuyết.
  • Chương trình gồm các kiến thức nền tảng và nâng cao về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh như học máy, học sâu, các mô hình nền tảng, học máy đa thể thức, đạo đức AI, MLOps, chatbot, LLM agent, và các ứng dụng của GenAI để tạo sinh hình ảnh, văn bản, âm thanh, code cho đa dạng các lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, marketing, y tế và sức khoẻ… Chương trình khung 48 TC được áp dụng đối với các sinh viên BKHN tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành đúng bao gồm 3 khối kiến thức: Kiến thức bắt buộc, Tự chọn kỹ sư, thực tập kỹ sư và đồ án sỹ sư. Cụ thể như sau:
    • Khối kiến thức bắt buộc: 20 tín chỉ
    • Khối kiến thức tự chọn: 13 tín chỉ
    • Thực tập kỹ sư: 6 tín chỉ
    • Đồ án kỹ sư: 9 tín chỉ
    • Tổng số: 48 tín chỉ
  • Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp CNTT vào học kỳ thứ 3.
  • Sinh viên được làm nghiên cứu liên tục với giảng viên từ học kỳ thứ nhất, được thực hành trên hạ tầng tính toán siêu máy tính DGX.

ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Ứng viên dự tuyển phải tốt nghiệp đại học thuộc một trong các nhóm đối tượng sau:

  • Ngành đúng (A): Tốt nghiệp các ngành:
    • Khoa học máy tính (Computer Science)
    • Hệ thống thông tin (Information systems),
    • Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering),
    • Khoa học dữ liệu (Data Science)
    • Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence)
    • Công nghệ thông tin (Information technology)
    • Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)
    • Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (Computer networks and data communications)
    • An toàn thông tin (Information security)
  • Ngành gần (B): Tốt nghiệp các ngành:
    • Hệ thống thông tin quản lý (Management Information System)
    • Quản lý công nghệ thông tin (Information technology management)
    • Quản lý Hệ thống thông tin (Management of Information Systems)
    • Khoa học tính toán (Computational Science)
    • Cơ sở toán học cho tin học (Mathematical foundations for informatics)
    • Toán tin (Math-informatics)
    • Sư phạm Tin học (Infomatics Teacher Education)
    • Tin học (Informatics)

Học bổ sung: Ứng viên tốt nghiệp ngành gần tại tất cả các đơn vị hoặc tốt nghiệp ngành đúng tại các đơn vị khác BKHN cần học bổ sung các học phần do Trường/Viện chuyên ngành quyết định sau khi so sánh giữa CTĐT của ứng viên và CTĐT kỹ sư GenAI. Tổng số tín chỉ học bổ sung không quá 12 tín chỉ.

CƠ HỘI VIỆC LÀM

Trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, tự động hoá và thông minh hoá các hệ thống truyền thống trở thành yếu tố sống còn. Hiện nay, kỹ sư GenAI đang trở thành một trong những ngành nghề hấp dẫn nhất thế giới, với mức lương vượt trội trong lĩnh vực CNTT. Sinh viên ra trường có thể làm việc:

  • Tại các bộ phận nghiên cứu và phát triển AI, nơi chuyên thiết kế và triển khai các mô hình GenAI phục vụ cho các ngành công nghiệp như sản xuất, giải trí, thương mại điện tử, y tế, và dịch vụ.
  • Tại các công ty phần mềm nơi cần sử dụng GenAI để tăng hàng chục lần năng suất lập trình và quản lý chất lượng phần mềm.
  • Tại các tổ chức công nghệ, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao, nơi cần xây dựng và tối ưu hóa các hệ thống GenAI để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo như chatbot, hệ thống tạo nội dung tự động, và các công cụ hỗ trợ sáng tạo khác.
  • Tại các bộ phận phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, xử lý/phân tích/biểu diễn dữ liệu lớn tại các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước…
  • Khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng GenAI và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tiên tiến, phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Tham gia nhóm Zalo Tư vấn tuyển sinh “SoICT GenAI Engineer Program” của Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông để được giải đáp các thắc mắc về CTĐT.