Ngày 4/3, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT), Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) tổ chức lễ khánh thành Không gian Đào tạo Sau đại học do Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ. Phòng học với sức chứa từ 40 đến 60 sinh viên được trang bị theo chuẩn quốc tế, là môi trường học tập rất tốt cho các giảng viên, học viên sau đại học. Hoạt động tài trợ này nằm trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo giữa VinBigData và HUST.
Thông qua tài trợ, Chương trình Thạc sỹ Khoa học dữ liệu đã được HUST nâng cấp thành chương trình Elitech, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, với nội dung chương trình cập nhật, tiên tiến, có sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài, và định hướng nghiên cứu rõ nét. Chương trinh đã tuyển sinh vượt 50% so với dự kiến. Trong năm đầu tiên, chương trình tuyển 2 đợt với tổng số 43 học viên. Tất cả các học viên đều có kết quả học tập, khá, giỏi ở bậc đại học. 11 học viên có công trình công bố, giải thưởng trước khi vào cao học. 30 học viên tuyển đợt 1 sau 1 năm đã có 31 công bố trên các tạp chí, hội thảo đầu ngành. (50% trong số đó là bài báo tạp chí Q1, hội thảo rank A, A*).
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình tài trợ, SoICT đã tổ chức thành công Trường hè về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với số lượng học viên đăng ký trên cả nước là 165 tới từ 25 trường đại học, số học viên tham dự là 35 tới từ 12 trường đại học trên cả nước. Chương trình đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho các học viên tham dự.
Buổi lễ khánh thành diễn ra long trọng với sự tham gia của các đại biểu, về phía HUST: PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng; TS. Bùi Đức Hùng – Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy Trường; GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường; và đại diện các phòng ban; về phía VinBigData: GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học VinBigdata, TS. Chử Đức Hoàng (Ban điều hành VinIF).
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phấn đấu để trở thành 1 trong các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo, để nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN”.
GS. Vũ Hà Văn chia sẻ tại buổi lễ: “Chúng ta hướng tới việc học sau đại học là một nghề. Người học sẽ được trả lương để học tập và nghiên cứu trong 4 – 5 năm”. GS. Văn coi Bách khoa Hà Nội là chỗ dựa cho tầng lớp tinh hoa trẻ Việt Nam làm nghiên cứu khoa học. Ông đánh giá “Bách khoa Hà Nội là trường chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam về nghiên cứu hàn lâm và đào tạo ra những nhà khoa học đóng góp cho xã hội”.
PGS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo phát biểu: “Việc tài trợ và hợp tác với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có môi trường đào tạo sau đại học, nghiên cứu đáp ứng chuẩn quốc tế”.
Cũng trong sự kiện này, SoICT và VinBigdata phối hợp tổ chức Hội thảo về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (DS&AI) để chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực của các nhóm nghiên cứu hai bên.
Sư kiện này đánh một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa HUST nói chung, SoICT nói riêng và VinBigData. Từ năm 2019-2021, SoICT đã nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup cho 4 đề tài nghiên cứu khoa học, 1 dự án nghiên cứu, 23 học bổng cho thạc sỹ khoa học, 5 học bổng cho nghiên cứu sinh, 1 chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ Khoa học dữ liệu với tổng kinh phí tài trợ là gần 28 tỷ đồng.
Bốn đề tài nghiên cứu khoa học được tài trợ: V-Chain – Nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain (chủ nhiệm: PGS. Nguyễn Bình Minh); Tri thức con người trong các mô hình học máy cho dữ liệu lớn hoặc luồng vô hạn (chủ nhiệm: PGS. Thân Quang Khoát); Ứng dụng học máy phát hiện polyp đại tràng và chẩn đoán nguy cơ ung thư hóa (chủ nhiệm: TS. Đinh Viết Sang); Fi-Mi: Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chủ nhiệm: TS. Nguyễn Phi Lê, đồng chủ nhiệm: PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình); Giải pháp chuyển đổi văn bản thành tiếng nói tiếng Việt tự nhiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo Vbee (chủ nhiệm: TS. Nguyễn Thị Thu Trang).
Các đề tài này đều đang giải quyết các vấn đề được xã hội quan tâm như ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để giải bài toán chẩn đoán ung thư, dự đoán chất lượng không khí, xử lý tiếng nói tiếng Việt, công nghệ blockchain Các đề tài đã và đang triển khai với kết quả tốt. Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các hội thảo rank A, tạp chí Q1, đăng ký bằng sáng chế…và các sản phẩm ứng dụng được triển khai như hỗ trợ các bác sỹ tại các bệnh viện, xây dựng bản đồ chất lượng không khí thời gian thực, phát triển và chia sẻ dữ liệu công nghệ tiếng nói cho cộng đồng.
VinIF cũng đã tài trợ 23 học bổng cho học viên cao học, 5 học bổng nghiên cứu sinh. Mỗi suất học bổng cao học, nghiên cứu sinh trị giá 120 triệu đồng và 150 triệu đồng một năm. Đây là nguồn hỗ trợ tài chính để các học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể yên tâm nghiên cứu.
Ngoài ra, các cán bộ của SoICT cũng đã hợp tác với VinBigData để triển khai các khóa đào tạo kỹ sư AI cho tập đoàn Vingroup.