Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hôm nay chính thức ra mắt “Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo”, quyết tâm phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao đối với các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Lễ ra mắt Trung tâm diễn ra dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Bùi Thế Duy, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn NAVER – Ông Choi InHyuk và đông đảo đại diện các đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực AI, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, VinAI, VinBDI, Vin University, FPT Smart Cloud… Trong mục tiêu dài hạn, Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị nghiên cứu về AI trong phạm vi cả nước, cũng như tăng cường liên kết và hợp tác với các trung tâm AI hàn lâm và công nghiệp mạnh trên Thế giới, để không những triển khai các nghiên cứu cơ bản tạo ra các công nghệ lõi “Make in Vietnam”, mà còn chú trọng đến phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi số và phát triển Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CCPR.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – khẳng định: “Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Đại học Bách khoa Hà Nội trong phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Tham dự buổi lễ, PGS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và liên kết song phương giữa Nhà trường và Doanh nghiệp: “Sự hợp tác này không chỉ thuộc cấp Viện hay Trường mà là vươn tầm quốc tế.”
PGS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CCPR.
Trung tâm được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị đối tác, Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc), sẽ cùng đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu, và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực AI.
Trung tâm hiện có hơn 50 nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội và một số chuyên gia hàng đầu đến từ các trường/viện và tập đoàn công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến AI và ứng dụng, như: học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tối ưu hóa, mạng thông minh, tin học y sinh, công nghệ phần mềm thông minh…
Các đại biểu tham dự buổi Lễ công bố Quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo. Ảnh: CCPR.
GS. Hồ Tú Bảo, một trong những nhà khoa học người Việt có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo và Học máy, được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học của Trung tâm. Tại buổi lễ, GS đã chia sẻ về 5 điều về AI bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, tinh thần, bổn phận và khát vọng; đồng thời chia sẻ về góc nhìn “từ AK đến AI”.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Choi In Hyuk, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn NAVER bày tỏ sự ấn tượng trước sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng mở rộng đào tạo nhân tài cấp cao về trí tuệ nhân tạo. Ông cam kết: “NAVER sẽ dành nhiều tâm huyết trong việc hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội để phát triển Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những trung tâm mạnh, qua đó tạo ra các sản phẩm AI có thể cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và Trung Quốc”.
Sinh viên tự học tại Trung tâm. Ảnh: CCPR.
Mạnh Trường, sinh viên năm ba ngành Khoa học máy tính, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông rất hứng thú đối với không gian học tập mới này. Trường chia sẻ: “Trước đây Viện không có khu vực riêng cho các nhóm sinh viên làm việc, từ nay chúng tôi đã có không gian riêng để cùng nhau học tập và nghiên cứu.”
Trần Trang – CCPR