Question and Answer

Question and Answer

Các câu hỏi thường gặp trong mùa tuyển sinh:

Lý do chọn học lĩnh vực CNTT&TT tại ĐHBK Hà Nội?

Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Theo công bố mới nhất của thời báo THE (Times Higher Education), ĐH Bách Khoa Hà Nội vừa được xếp ở vị trí 301–400 về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology). Với xếp hạng này, ĐHBK Hà Nội đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, và đứng số 1 Việt Nam.

 

Riêng về lĩnh vực Công nghệ Thông tin, cũng theo THE, ĐHBK Hà Nội ở vị trí 601+ về lĩnh vực Khoa học máy tính (Computer Science) trong Bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới 2020 theo lĩnh vực (THE WUR by Subject 2020). Thêm vào đó, trong một bảng xếp hạng uy tín khác do Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh) đưa ra theo lĩnh vực (QS ranking by subject 2020), lĩnh vực Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng Top 451-500 toàn Thế giới.

Ở cả hai bảng xếp hạng danh giá THE và QS, lĩnh vực Khoa học Máy tính (hay CNTT theo cách định nghĩa ở ta), Đại học Bách khoa Hà Nội đều đứng thứ nhất Việt Nam, và sánh vai với một số trường đại học uy tín ở các nước phát triển tiên tiến.

Ngoài ra, các thí sinh quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Viện thông qua các thông tin có trên website này:

Phân biệt các khái niệm ngành đào tạo và chương trình đào tạo?
  • Ngành đào tạo (gọi tắt là ngành) là một lĩnh vực chuyên môn rộng, có mã số trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện.
  • Chương trình đào tạo (gọi tắt là chương trình) là bản thiết kế cho toàn bộ quá trình đào tạo của một ngành (kiểu chương trình đơn ngành) hoặc một vài ngành (kiểu song ngành hoặc kiểu song bằng). Chương trình thể hiện rõ trình độ đào tạo; đối tượng đào tạo, điều kiện nhập học và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học khi tốt nghiệp; nội dung (chương trình giảng dạy); kế hoạch đào tạo theo thời gian thiết kế; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình. Với mỗi chương trình đào tạo, mỗi trường sẽ có cách gán mã tuyển sinh khác nhau.
  • Ví dụ, hiện Viện CNTT&TT đang quản lý chuyên môn về 5 ngành đào tạo:
    • Ngành đào tạo Khoa học Máy tính có mã ngành quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: 7480101. Tại ĐHBK HN đào tạo ngành Khoa học Máy tính thông qua Chương trình Khoa học Máy tính có mã tuyển sinh (của Nhà trường) IT1.
    • Ngành đào tạo Kỹ thuật Máy tính, mã ngành 7480108, tại ĐHBK HN đào tạo ngành Khoa học Máy tính thông qua Chương trình Kỹ thuật Máy tính có mã tuyển sinh (của Nhà trường) IT2.
    • Ngành đào tạo Công nghệ Thông tin, mã ngành 7480201. Tại ĐHBK HN đào tạo ngành này có các chương trình:
      • Chương trình Công nghệ Thông tin, mã tuyển sinh IT3: đã dừng tuyển sinh từ 2019;
      • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin Việt Nam – Nhật Bản (HEDSPI, mã tuyển sinh IT-E6).
      • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin toàn cầu (Global ICT, mã tuyển sinh IT-E7).
      • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin Việt Pháp (mã tuyển sinh IT-EP).
    • Ngành đào tạo Khoa học dữ liệu, ĐHBK Hà Nội là trường đầu tiên đào tạo, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã 7480109, và kèm theo đó là Chương trình Elitech Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (DS-AI, mã tuyển sinh IT-E10).
    • Ngành đào tạo An toàn thông tin, mã ngành 7480202, và kèm theo đó là Chương trình Elitech An toàn Không gian số (Cyber Security, mã tuyển sinh IT-E15).
Tại sao ĐHBK Hà Nội, từ năm 2019, không mở Chương trình đào tạo IT3 - Công nghệ Thông tin?

Từ năm 2019, ĐHBK Hà Nội đã quyết định dừng tuyển sinh Chương trình IT3 – Công nghệ Thông tin. Điều này không có nghĩa ĐHBK Hà Nội không đào tạo về lĩnh vực Công nghệ Thông tin mà đây là bước:

  • Chuẩn hóa vấn đề về tên gọi các ngành/chương trình đào tạo theo thông lệ quốc tế, tên gọi đúng với nội hàm được hiểu phổ quát trên toàn Thế giới; để
  • Tạo điều kiện cho sinh viên lựa chọn ngay từ đầu lĩnh vực chuyên sâu, cũng như sau khi tốt nghiệp sẽ hạn chế vướng mắc khi quy đổi bằng cấp tương đương, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia thị trường lao động quốc tế, hoặc học chuyển tiếp lên các chương trình sau đại học tại nước ngoài.

ĐHBK HN vẫn và sẽ luôn luôn đào tạo lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT), tuy nhiên, năm nay Trường hệ thống hóa lại các ngành (và kéo theo đó là chương trình) để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế đào tạo. CNTT theo cách hiểu ở ta không giống với Thế giới, việc mở CNTT-Khoa học Máy tính (IT1), CNTT-Kỹ thuật Máy tính (IT2) và CNTT-Khoa học Dữ liệu (IT-E10) là bước chuẩn hóa phù hợp theo thông lệ TG, dù luôn phải đính tiền tố CNTT vào để người học ở Việt nam vẫn hiểu: đó là các ngành nằm trong lĩnh vực rộng CNTT; hay nói cách khác – theo cách hiểu phổ biến ở ta – CNTT là ngành lớn, trong đó có 3 ngành nhỏ như trên. Việc phân ngành như vậy còn giúp các em SV định hướng nghề nghiệp từ đầu, đi sâu vào chuyên môn và trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Thực tế thì không nhiều các trường lớn trên Thế giới đào tạo ngành CNTT (Information Technology) như ở ta, mà thông thường họ mở ngành đào tạo Khoa học Máy tính (Computer Science). Đối với họ các việc liên quan đến máy tính: toán rời rạc, giải thuật, cấu trúc dữ liệu, lập trình, cơ sở dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo… thuộc ngành Khoa học Máy tính. Học ngành này, sinh viên sẽ có khả năng làm chủ mọi khâu để phát triển một phần mềm, một chương trình, và một hệ thống thông tin xử lý các vấn đề nảy sinh trong đời sống. Còn Công nghệ Thông tin (IT) là nghề mang tính kỹ thuật viên nhiều hơn, ví dụ: cài đặt, vận hành, quản trị hệ thống máy tính, hệ thống mạng, hệ thống cơ sở dữ liệu. Vì vậy, tương đương như cách hiểu ở ta, học để làm phần mềm thì nghĩa là học ngành Khoa học Máy tính (Học Chương trình IT1).

Ngoài ra, bên cạnh phần mềm, nếu người học muốn hiểu biết thêm về phần cứng, thì có thể chọn ngành Kỹ thuật Máy tính (Chương trình IT2): ngành này là lai giữa ngành Khoa học Máy tính (nôm na là về phần mềm), và ngành Kỹ thuật Điện-Điện tử (Electrical Electronics Engineering, thiên về phần cứng). IT2 hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm. Nghĩa là, học về ngành này, sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, cách làm phần cứng, và làm thế nào để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống thống nhất để giải quyết một vấn đề thực tiễn. Ví dụ: phát triển camera thông minh truyền hình ảnh về trung tâm dữ liệu: kỹ sư phải làm phần cứng (tích hợp các mô-đun thu nhận ảnh, mô-đun vi xử lý, mô-đun truyền thông), viết phần mềm thu nhận hình ảnh, xử lý hình ảnh, và truyền hình ảnh về trung tâm.
Cuối cùng, trong thời gian gần đây, sự bùng nổ của internet và các hệ thống thu thập dữ liệu đã tạo ra các nguồn dữ liệu khổng lồ (big data), mà nếu được khai thác hợp lý sẽ tạo ra những thông tin vô cùng giá trị, ví dụ: dự báo nhu cầu nhân lực ngành KTMT, KHMT tại VN và trên TG; dự báo điểm chuẩn thi ĐH… Vì vậy, các lĩnh vực xử lý dữ liệu, vốn nằm trong Khoa học Máy tính đã tách ra để tạo thành một ngành mới: Khoa học Dữ liệu (Data Science) với Chương trình Elitech Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10). Học về Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về toán (đặc biệt: xác suất, thống kê), khoa học máy tính (đặc biệt: học máy, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo) và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của một số lĩnh vực để có thể trở thành các nhà khoa học dữ liệu: không những làm việc cho các các công ty về CNTT, mà còn làm việc tại mọi tổ chức có nhu cầu khai thác dữ liệu: tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán, phân tích thị trường, tư vấn – dự báo – hoạch định chính sách…
Cuối cùng có thể kết luận rằng:
(1) Học lập trình: cả 3 ngành IT1, IT2, và IT-E10 đều học lập trình, trong đó:
  • IT1: chuyên sâu về công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin…
  • IT2: chuyên sâu về hệ nhúng và IoT, mạng máy tính, an toàn – an ninh thông tin…
  • IT-E10: chuyên sâu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
(2) Việc phân thành 3 ngành này sẽ đảm bảo:
  • Theo thông lệ quốc tế, dễ quy đổi bằng cấp tương đương, và thuận lợi chuyển tiếp du học ở các bậc học sau;
  • Giúp các em định hướng ngay từ đầu các lĩnh vực sẽ theo đuổi trong sự nghiệp.
(3) Với cách hiểu về “CNTT như hiện tại ở ta” thì có thể nói:
CNTT = Khoa học Máy tính (IT1) + Kỹ thuật Máy tính (IT2) + Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10)
Sự khác nhau giữa các ngành/chương trình đào tạo của Viện CNTT&TT?

Danh xưng kỹ sư/thạc sỹ CNTT BK hiện tại có uy tín cao đối với các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước, vì kiến thức nền tảng tốt, cần cù, thông minh, sáng tạo, và đặc biệt khả năng thích ứng với các đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Dễ dàng nhận thấy, tại mọi doanh nghiệp về công nghệ thông tin hiện tại, các kỹ sư CNTT ĐHBK Hà Nội đang nắm các vị trí chủ chốt, và có uy tín nghề nghiệp cao. Do hiện tại, nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT như ĐHBK Hà Nội luôn thiếu, ở mọi ngành trong lĩnh vực chung CNTT, vì vậy, thí sinh không nên tự tạo áp lực trong việc chọn ngành đào tạo, việc lựa chọn này đơn giản đến từ sở trường, đam mê, nói chung là sự yêu thích, và hầu như không ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Do việc hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa được tốt, nên sinh viên hay có câu hỏi, học ngành nào/chương trình nào thì học về lập trình? hay muốn làm web, làm game thì học ngành nào? Câu trả lời chung thì tất cả các ngành/chương trình của Viện thì đều phải học rất kỹ về lập trình, kỹ thuật lập trình, ngôn ngữ lập trình, và … hơn thế nữa. Mà sản phẩm đầu ra của lập trình là phần mềm, dù đó có là phần mềm triển khai trên máy chủ, máy tính, điện thoại, hệ nhúng… Web hay game thì cũng là các phần mềm, và học ngành nào thì cũng đều có khả năng tạo ra các phần mềm đó, và … hơn thế nữa. 

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số khác biệt cơ bản giữa các ngành:

  • Khoa học Máy tính (IT1) là ngành mà nói đơn giản (để thí sinh – học sinh cấp 3 – dễ tiếp cận) thì liên quan đến LẬP TRÌNH phát triển ứng dụng chạy trên MÁY CHỦ (server), MÁY TÍNH (PC, laptop, và thiết bị cá nhân thông minh) sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm, và hệ thống thông tin nói chung. Khoa học Máy tính là ngành đào tạo cơ bản nhất trong các lĩnh vực liên quan đến CNTT, và hầu hết các trường đại học danh tiếng trên Thế giới đều đào tạo ngành này. Học IT1, sinh viên sẽ có đầy đủ kiến thức về phát triển phần mềm, xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển các giải pháp tích hợp nhằm cung cấp các hệ thống thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, phát triển và tối ưu các giải thuật tính toán, các phương pháp và hệ thống tính toán song song, tính toán phân tán, xử lý dữ liệu lớn, các kỹ thuật và phương pháp phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy… 
  • Kỹ thuật Máy tính (IT2) là LẬP TRÌNH trên THIẾT BỊ (với bộ vi xử lý có năng lực tính toán, dung lượng bộ nhớ hạn chế hơn, năng lượng – pin – cũng hạn chế hơn, người ta hay gọi chung là hệ nhúng), ví dụ: lập trình trên camera thông minh, robot, hay điện thoại. Ngoài ra IT2 còn dạy các kiến thức về mạng máy tính, truyền dữ liệu (làm thế nào để dữ liệu truyền từ máy này đến máy kia hiệu quả), và đặc biệt là an toàn thông tin (bảo mật, chống tấn công mạng…), cũng như một phần kiến thức quan trọng về xử lý tín hiệu, điện tử số, ghép nối… để các em có thể can thiệp sâu hơn xuống mức thiết bị nếu cần, dù hiện tại các nhà sx phần cứng đã đáp ứng hầu hết nhu cầu đa dạng, và trong đa phần giải pháp, hơn nhau là phần mềm trên thiết bị, và đó là mục đích của IT2.
  • Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10): là chương trình đào tạo chuyên sâu, và đặc thù một lĩnh vực đang rất nóng, và có nhu cầu cao trong Xã hội, nhằm đào tạo các chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS-AI scientist). Khác với IT1 đào tạo lĩnh vực rộng Khoa học Máy tính, IT-E10 định hướng đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực DS-AI. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên theo học IT-E10 sẽ được trang bị các kiến thức toán đặc thù của ngành như, ví dụ: xác suất – thống kê, sau đó ở giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được đào tạo tập trung vào các mảng chuyên môn của lĩnh vực, như AI, học máy, học sâu, các phương pháp/kỹ thuật nhận dạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, xử lý dữ liệu lớn…, cũng như các kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng như: phân tích kinh doanh (BA), trí tuệ kinh doanh (hoặc có thể dịch là kinh doanh thông minh, BI)… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo IT-E10 có thể trở thành các chuyên gia phát triển các hệ thống, công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như các chuyên gia ứng dụng các công nghệ này trong các lĩnh vực khác nhau (ví dụ: tài chính, ngân hàng, chứng khoán…).

Ví dụ kết nối lại trong 1 giải pháp: Hệ thống giám sát, điều hành xe bus trong đô thị. SV IT2 sẽ viết phần mềm chạy trên thiết bị GSHT để lấy vị trí từ chip GPS, ảnh từ Camera và gửi về máy chủ. SV IT1 sẽ viết phần mềm quản lý xe, hiển thị dưới dạng trang web, để người điều hành xe lên kế hoạch chạy xe cho các tài xế. SV IT-E10 sẽ tập hợp dữ liệu giao thông, phân tích nhu cầu hành khách, sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để đưa ra phương án điều hành xe tự động và tối ưu, ví dụ: trời nắng/mưa, ngày lễ, ngày cao điểm, nên dồn xe cho các tuyến nào thì sẽ đáp ứng nhu cầu hành khách tốt nhất.

Bên cạnh 3 chương trình thuộc 03 ngành trụ cột của lĩnh vực Công nghệ Thông tin nói chung (KHMT, KTMT, KHDL), hiện tại Viện còn cung cấp 03 chương trình tiên tiến thuộc hệ đào tạo Elitech, với mục đích phát huy tối đa năng lực người học, hướng tới thị trường lao động quốc tế. Các chương trình này được thiết kế hiện đại, và được giảng dạy toàn bộ, hoặc một phần bằng ngoại ngữ Tiếng Anh, Tiếng Pháp, và Tiếng Nhật (chương trình IT-E10 đề cập ở trên cũng thuộc Elitech):

  • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin Việt Nam – Nhật Bản (HEDSPI, mã tuyển sinh: IT-E6).
  • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin toàn cầu (Global ICT, mã tuyển sinh: IT-E7).
  • Chương trình Elitech Công nghệ thông tin Việt Pháp (mã tuyển sinh: IT-EP).

Ba chương trình này có nội dung gần như tương tự nhau và chỉ khác về ngôn ngữ giảng dạy, hoặc tăng cường. Các chương trình này sẽ phân nhánh người học theo các định hướng KHMT, và KTMT trong quá trình học. Sinh viên theo các chương trình này ngoài kỹ năng chuyên môn tốt, còn có năng lực ngoại ngữ đủ để có thể làm việc tại Nhật Bản (IT-E6), hoặc Châu Âu, Bắc Mỹ và các nước trong khu vực (IT-E7, IT-E10, IT-E15, IT-EP).

Trong năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên gia về các lĩnh vực vô cùng nóng bỏng: an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng chống tấn công mạng, mã mật…, ĐHBK Hà Nội quyết định mở:

  • Chương trình Elitech An toàn Không gian số (mã tuyển sinh: IT-E15).

Đây là chương trình khác biệt với các chương trình đào tạo an toàn thông tin hiện có trên cả nước, khi định hướng chuẩn đầu ra là các chuyên gia “thực chiến”, vững vàng về lý thuyết nhưng phải giỏi kỹ năng thực tiễn, và do vậy nhiều học phần được giảng dạy bởi các chuyên gia công nghệ an ninh mạng hàng đầu, và được thực hành trực tiếp trên các hệ thống mô phỏng, diễn tập tiên tiến của các tập đoàn và công ty như BKAV, IBM…

Học lập trình thì học ngành/chương trình nào? Muốn làm web, làm game thì học ngành/chương trình nào?

Do việc hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa được tốt, nên sinh viên hay có câu hỏi, học ngành nào/chương trình nào thì học về lập trình? hay muốn làm web, làm game thì học ngành nào? Câu trả lời chung thì tất cả các ngành/chương trình của Viện đều phải học rất kỹ về lập trình, kỹ thuật lập trình, ngôn ngữ lập trình, và… hơn thế nữa. Mà sản phẩm đầu ra của lập trình là phần mềm, dù đó có là phần mềm triển khai trên máy chủ, máy tính, điện thoại, hệ nhúng… Web hay game thì cũng là các phần mềm, và học ngành nào thì cũng đều có khả năng tạo ra các phần mềm đó, và… hơn thế nữa. 

Phân biệt các hệ đào tạo: chuẩn, Elitech, liên kết quốc tế SIE?
  • Các chương trình chuẩn (IT1, IT2) là các chương trình truyền thống, có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo của ĐHBK Hà Nội. Các chương trình được thường xuyên cập nhật để bắt kịp với sự phát triển của lĩnh vực. Chương trình chuẩn có chất lượng tốt với mức học phí hợp lý.
  • Các chương trình tiên tiến Elitech (IT-E6, IT-E7, IT-E10, IT-E15, IT-EP, IT-E15) được xây dựng với mục đích phát huy tối đa năng lực người học, hướng tới thị trường lao động quốc tế,  hoặc học sau đại học ở nước ngoài. Các chương trình này được thiết kế hiện đại, và được giảng dạy toàn bộ, hoặc một phần bằng ngoại ngữ Tiếng Anh, Tiếng Pháp, và Tiếng Nhật.
  • Từ trên xuống, học phí tăng dần, và điểm đầu vào (thông thường) giảm dần (tuy nhiên, trong mùa Tuyển sinh 2019 và 2020, IT-E10 có điểm tuyển sinh cao thứ 2 Toàn quốc).
Học Trí tuệ nhân tạo thì học chương trình nào?

Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo nói chung đang lan tỏa vào nhiều lĩnh vực trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, hay quá trình Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn Thế giới. Trong tất cả các chương trình đào tạo của Viện CNTT&TT thì các kiến thức cơ bản về KHDL và TTNT đều được cung cấp cho người học.

Các chương trình đều có các định hướng xử lý dữ liệu thông minh và AI kết hợp với các chuyên môn sâu như: AIoT (AI kết hợp với IoT), và AI kết hợp với Cyber Security…

Tuy nhiên, Chương trình Elitech Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là chương trình chuyên sâu về lĩnh vực này. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên theo học IT-E10 sẽ được trang bị các kiến thức toán đặc thù của ngành như, ví dụ: xác suất – thống kê, sau đó ở giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được đào tạo tập trung vào các mảng chuyên môn của lĩnh vực, như AI, học máy, học sâu, các phương pháp/kỹ thuật nhận dạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, xử lý dữ liệu lớn…, cũng như các kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng như: phân tích kinh doanh (BA), trí tuệ kinh doanh (hoặc có thể dịch là kinh doanh thông minh, BI)…

Sinh viên theo học các chương trình khác nếu muốn phát triển chuyên sâu về lĩnh vực này có thể theo học Thạc sỹ Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (1.5 năm) sau giai đoạn cử nhân.

Chương trình tích hợp Cử nhân - Thạc sĩ / Kỹ sư là gì?

Các chương trình đào tạo tại ĐHBK Hà Nội đang được thiết kế theo định hướng:

  • Sau 4 năm: sinh viên có thể tốt nghiệp với bằng cử nhân, sau đó có lựa chọn học tiếp tục
  • Với hai lựa chọn:
    • Kỹ sư, hoặc
    • Thạc sỹ.

Cử nhân được thiết kế theo ngành rộng, cung cấp cho người học các kiến thức nền tảng và cốt lõi; chú trọng các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng ứng xử tích cực đối với xã hội và môi trường trong hoạt động nghề nghiệp, khả năng thích ứng trong môi trường lao động quốc tế. Tốt nghiệp Cử nhân, sinh viên có thể sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành chuyên gia, có khả năng nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng ở trình độ cao, sinh viên nên lựa chọn học nâng cao ở bậc sau đại học.

Chương trình ở sau đại học (Kỹ sư, Thạc sĩ) chú trọng kiến thức chuyên môn nâng cao, kỹ năng và phương pháp làm việc khoa học; có tư duy hệ thống và tư duy phân tích độc lập; khả năng sáng tạo và tự đào tạo trong môi trường làm việc năng động, hội nhập và luôn đổi mới. Trong đó:

  • Chương trình ở bậc Kỹ sư được thiết kế theo định hướng sau tốt nhiệp, các kỹ sư sẽ làm chuyên môn nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp, tập đoàn. Nghĩa là: kỹ sư cần có chuyên môn sâu, gắn với phát triển sản phẩm hướng tới thị trường, do đó chương trình có thời lượng thực hành, và thực tập tại doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn.
  • Chương trình ở bậc thạc sĩ khoa học được thiết kế theo định hướng sau tốt nghiệp, các ThS sẽ làm chuyên môn nghiên cứu khoa học, và trở thành các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu, với mong muốn theo đuổi nghiên cứu sáng tạo, bao gồm cả việc chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ trong và ngoài nước. Chương trình có thời lượng thực tập và làm nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Viện cũng như của các đối tác trong và ngoài nước.

Lưu ý: việc quyết định hướng đi trong sự nghiệp chuyên môn phụ thuộc chính vào năng lực của người học, vì vậy sự phân chia như trên chỉ có tính chất tương đối, vì học kỹ sư sau này nếu muốn vẫn có thể chuyển tiếp học NCS Tiến sỹ, hoặc học ThS vẫn rất phù hợp khi làm việc tại các trung tâm/phòng R&D của các tập đoàn, doanh nghiệp.

Chương trình tích hợp cử nhân – thạc sĩ / kỹ sư: là khung chương trình được thiết kế theo hướng tích hợp, liên tục giữa bậc đào tạo cử nhân và thạc sĩ / kỹ sư với các khối kiến thức và thời lượng giảng dạy được thiết kế theo hướng thuận lợi nhất cho người học về thời gian học tập. Trong quá trình học hệ cử nhân, sinh viên có thể học các môn học thuộc hệ thạc sỹ / kỹ sư mà không cần yêu cầu phải có bằng cử nhân trước khi đăng ký môn. Chương trình tích hợp cấp 2 văn bằng tốt nghiệp Cử nhân; và Thạc sĩ hoặc Kỹ sư.

Lưu ý: Theo “Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”, Kỹ sư và Thạc sỹ là bậc sau đại học, và cùng tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia.

IT-E6, IT-E7, IT-EP có lựa chọn ngôn ngữ khác nhau, vậy nội dung chương trình đào tạo có khác nhau không?

Như đã nói ở trên, các chương trình đào tạo Elitech hướng đến cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động quốc tế, nên yếu tố ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, và Tiếng Nhật được coi trọng bên cạnh kiến thức chuyên môn hiện đại và cập nhật cần có.

Các chương trình IT-E6, IT-E7, IT-E10 thuộc ngành Công nghệ Thông tin sẽ có chương trình được thiết kế  tương tự nhau, và sự khác biệt chính đến từ yếu tố ngôn ngữ, cũng như việc mời giảng viên/chuyên gia nước ngoài đến từ các nước với ngôn ngữ phù hợp tham gia giảng dạy cho sinh viên.

Yêu cầu về ngoại ngữ khi đăng ký vào các chương trình đào tạo tiên tiến như thế nào? Muốn đăng ký vào chương trình IT-E6 CNTT Việt Nhật có cần biết tiếng Nhật trước hay không? Đăng ký vào chương trình IT-E7 (Global ICT), IT-E10 (DS-AI) và IT-E15 (Cyber Security) có cần giỏi tiếng Anh?

Chương trình Công nghệ thông tin Việt Nhật cho phép các bạn chưa biết tiếng Nhật có thể theo học tiếng Nhật từ đầu. Các môn học chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Việt, do đó người học không cần phải biết tiếng Nhật trước khi nhập học.

Các bạn đã biết tiếng Nhật thì tùy vào trình độ mà có thể được miễn một số môn tiếng Nhật tùy theo trình độ của các bạn (được các thầy cô bộ môn tiếng Nhật kiểm tra đánh giá)

Với các Chương trình Global ICT, DS-AI, và Cyber Security toàn bộ các môn học về chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Anh. Vì vậy có tiếng Anh tốt sẽ thuận lợi cho sinh viên tiếp thu kiến thức. Nếu tiếng Anh chưa tốt bạn được học tăng cường tiếng Anh trong năm thứ nhất trước khi vào các môn chuyên môn trong năm thứ 2.

Con gái có phù hợp học lĩnh vực CNTT&TT hay không?

Lĩnh vực CNTT&TT không phân biệt nam nữ. Có rất nhiều nhân vật quyền lực, nổi tiếng về CNTT&TT trên thế giới là nữ như Sheryl Sandberg, CEO Facebook, Maryssa Mayer cựu CEO Yahoo,..

Có rất nhiều vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT&TT phù hợp với phái nữ như thiết kế lập trình Web, kiểm thử phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, đảm bảo chất lượng phần mềm, quản trị CNTT, kỹ sư cầu nối CNTT..

Thực tế tuyển sinh tại trường những năm qua cho thấy số lượng sinh viên nữ học tại Viện ngày một tăng. Kết quả học tập của các nữ sinh viên nữ cũng thường tốt hơn các bạn nam.

Học phí các chương trình của Viện như thế nào?

Thông tin tham khảo về học phí năm học 2019-2020 theo các ngành/chương trình đào tạo của Trường (bao gồm các chương trình đào tạo tại Viện) được công bố tại đây.

Có sự tham gia giảng dạy của giáo sư / chuyên gia nước ngoài khi trong các chương trình đào tạo thuộc hệ Elitech hay SIE của Viện hay không?

Theo định hướng của Nhà trường, sinh viên thuộc các hệ Elitech, SIE sẽ được tham gia các lớp học giảng dạy bởi các giáo sư / chuyên gia nước ngoài. Tại Viện CNTT&TT việc này luôn được đảm bảo, đặc biệt với Chương trình CNTT Việt Nhật IT-E6, sinh viên được học Tiếng Nhật trực tiếp bởi người Nhật, và được tham dự các môn học được giảng dạy bằng Tiếng Nhật. Ngoài ra, năm nay Viện đã tuyển dụng hai Giáo sư người Canada (Michel Toulouse), và Pháp (Muriel Visani) làm việc toàn thời gian tại Viện để giảng dạy cho các hệ Elitech. Thêm vào đó, thông qua hợp tác và tài trợ của các tổ chức, các trường đại học, các tập đoàn (như: VinGroup), Viện cũng thường xuyên mời và tiếp nhận các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín nước ngoài sang làm việc và giảng dạy tại Viện.

Trường và Viện có những chính sách học bổng / hỗ trợ tài chính nào dành cho sinh viên?

Các chính sách học bổng của Nhà trường: Với trách nhiệm cao nhất đối với xã hội và người học, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, Trường ĐHBK Hà Nội triển khai các chính sách học bổng mới nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập tại Trường cũng như khuyến khích những sinh viên tài năng phát triển năng lực cá nhân.

Hiện tại, Trường đang xây dựng 04 loại hình học bổng bao gồm:

  • Học bổng tài năng: Là phần thưởng dành cho sinh viên đại học có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập và có kết quả rèn luyện tốt trị giá 150% học phí.
  • Học bổng hỗ trợ học tập: Là học bổng dành cho sinh viên đại học có hoàn cảnh khó khăn, có kết quả rèn luyện tốt. Học bổng hỗ trợ học tập có hai loại: Học bổng toàn phần và học bổng bán phần, trong đó học bổng bán phần bằng 50% học bổng toàn phần.
    • Học sinh THPT đáp ứng một trong những điều kiện đưới đây sẽ được xét học bổng khi theo học tại Nhà trường: (1) có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn (Hộ nghèo/Cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn); và (2) hạnh kiểm 5 học kỳ THPT đạt loại tốt.
  • Học bổng nghiên cứu: Dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có những công bố khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế (thuộc danh mục ISI hoặc Scopus). Học bổng nghiên cứu có hai loại: Học bổng toàn phần và học bổng bán phần trị giá 100% và 50% học phí. Ngoài ra, từ 2019, sinh viên có điểm trung bình khi tốt nghiệp (CPA) lớn hơn 3,2 sẽ được miễn 100%, từ 2,8 đến dưới 3,2 sẽ được hỗ trợ 50% học phí khi học lên thạc sĩ.
  • Học bổng tài trợ: Là học bổng do các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác với Trường trao tặng, ví dụ: Học bổng Panasonic, Học bổng Sumitomo, Học bổng Lotte, Học bổng Denso, Học bổng Lawrence S. Ting, Học bổng Microsoft cho nữ sinh viên tài năng…

Năm 2019, Quỹ hỗ trợ học bổng tài năng và học bổng hỗ trợ học tập của Trường trị giá 45 tỷ đồng. Thông tin về các học bổng cấp Trường xem tại Trang chủ của Phòng Công tác Sinh viên: http://ctsv.hust.edu.vn/

Các chính sách học bổng / hỗ trợ tài chính của Viện, hoặc từ các đối tác của Viện:

  • Học bổng Trợ giảng (Teaching Assistant – TA, hỗ trợ các thầy cô giảng dạy) và Học bổng Trợ lý Nghiên cứu (Research Assistant – RA, hỗ trợ và cùng làm nghiên cứu với các thầy cô tại hệ thống các phòng thí nghiệm của Viện) dành cho các sinh viên có khả năng giảng dạy và nghiên cứu tốt (từ năm thứ 3 trở đi) với mức thù lao có thể lên tới 4 triệu/tháng, kèm theo Chứng nhận chính thức của Viện để sau này các em có điều kiện thuận lợi xin học bổng du học. Hiện tại, Viện là đơn vị duy nhất triển khai các chương trình này trong Trường.
  • Học bổng của các tập đoàn Samsung: 66 ~ 114 triệu VNĐ tiền mặt/suất. Thông tin xem tại đây.
  • Học bổng Quỹ VinIF của Tập đoàn Vingroup: tài trợ học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc với các mức lần lượt: 120 triệu/năm, và 150 triệu/năm.
  • Hỗ trợ tài chính từ hơn 200 doanh nghiệp thành viên trong Mạng lưới doanh nghiêp đối tác của Viện: trong quá trình học sinh viện được thực tập trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại hơn 200 doanh nghiệp đối tác của Viện, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. Từ năm thứ 3 trở đi, nếu chứng minh được năng lực (hầu hết SV Viện đạt được điều này), sinh viên được các doanh nghiệp hỗ trợ bằng công việc parttime trong lĩnh vực phát triển phần mềm, thông thường (tùy doanh nghiệp, và tùy vị trí) sẽ dao động từ 3-7 triệu/tháng.
  • Học bổng trao đổi học tập/nghiên cứu “internship” tại nước ngoài:
    • Mạng lưới cựu sinh viên của Viện tại Silicon Valley cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn để giúp sinh viên có cơ hội giành được các học bổng trao đổi, thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Thế giới.
    • Thông qua hợp tác quốc tế, hàng năm các đối tác Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Singapore, Bắc Mỹ… dành nhiều học bổng trao đổi sinh viên sang học tập và nghiên cứu từ 3 đến 6 tháng tại nước ngoài, trong các chương trình học bổng uy tín, ví dụ: Erasmus của Liên minh Châu Âu…
Học chương trình đào tạo nào sẽ có triển vọng nghề nghiệp tốt nhất?

Như đã nói ở trên, kỹ sư / thạc sỹ CNTT Bách Khoa có chỗ đứng uy tín tại tập đoàn và công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và trên Thế giới. Vì vậy, tốt nghiệp chương trình đào tạo nào sinh viên cũng có triển vọng nghề nghiệp tốt, miễn trong quá trình học, sinh viên tập trung và tích lũy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, và khả năng ngoại ngữ mà chương trình cung cấp. Sự phát triển sự nghiệp của mỗi người, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật – công nghệ chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của người đó.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khả năng ngoại ngữ cũng là một yếu tố rất quan trọng, do đó, theo học các chương trình Elitech, bên cạnh việc được học các lớp với sĩ số nhỏ và chú trọng học thông qua trải nghiệm thì trình độ ngoại ngữ tích lũy thông qua việc học tăng cường ngoại ngữ, cũng như học chuyên môn bằng tiếng nước ngoài, do cả người Việt và người nước ngoài giảng dạy, sinh viên sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn khi tham gia thị trường lao động quốc tế, và làm việc tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Sinh viên học IT-E6, IT-E7 rất nhiều em sau khi tốt nghiệp đã ra nước ngoài làm việc, hoặc học tiếp ở các bậc học cao hơn. Đặc biệt với IT-E6, khoảng 70% sinh viên sau khi tốt nghiệp sang Nhật Bản làm việc với mức lương khởi điểm rất cao, thông thường từ 3000 đến 4000 USD/tháng, cá biệt có những em có thể đạt được mức lương 6000 USD/tháng.

Sau khi tốt nghiệp, muốn chuyển tiếp học sau đại học tại nước ngoài thì em nên chọn chương trình nào?

Thực tế thì, dù có theo chương trình nào thì thương hiệu kỹ sư ĐHBK Hà Nội nói chung và kỹ sư CNTT ĐHBK Hà Nội nói riêng đều có uy tín cả trong và ngoài nước, và do đó các em sau khi tốt nghiệp có nhiều thuận lợi khi xin học bổng đi học tiếp sau đại học tại nước ngoài. Để xin được học bổng thành công thì dù học chương trình nào, các em cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, và đặc biệt khả năng ngoại ngữ phù hợp với các nước mà định đi du học.

Tuy nhiên, khi theo học các chương trình đào tạo thuộc hệ Elitech / SIE, các em sẽ phải đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ khá cao, và trong quá trình học sẽ phải học toàn bộ (nếu là các chương trình Tiếng Anh), hoặc một phần chương trình (nếu là các chương trình Tiếng Nhật, Tiếng Pháp) bằng ngoại ngữ. Viện cũng đã tuyển dụng các giáo sư người nước ngoài (Canada, Pháp) và mời các giáo sư / chuyên gia uy tín quốc tế tham gia giảng dạy các hệ này, vì vậy, các em có điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ, mở rộng mối quan hệ, và do đó khả năng đi du học sau đại học sẽ tốt hơn.

Hiện tại, chuẩn đầu ra ngoại ngữ yêu cầu như sau:

  • IT-E6: Tiếng Nhật tối thiểu N3, và nhiều bạn đạt N2, đủ điều kiện học tập và làm việc tại Nhật Bản;
  • IT-E10 và các chương trình Tiếng Anh: IELTS tối thiểu 6.0;
  • IT-EP: tối thiểu trình độ B1.

Ngoài ra, các chương trình Elitech và SIE đều có các đối tác xây dựng chương trình, và vì vậy, các em sinh viên theo học các chương trình này có thêm lựa chọn học một phần thời gian ở Việt Nam, và một phần ở trường đối tác hướng tới nhận bằng trường đối tác hoặc ở cả hai trường, cụ thể:

  • Chương trình hợp tác song bằng với Đại học Uppsala – trường ĐH lâu đời nhất của Thụy Điển (thành lập năm 1447) và hiện là cơ sở đào tạo hàng đầu về Châu Âu về CNTT: sinh viên theo học IT-E7 Global ICT có thể học 3 năm tại Việt Nam, và 1 năm ở Thụy Điển, sau đó nhận bằng ở cả 2 trường. Hiện tại, chương trình đang được hai bên xem xét và nâng cấp phù hợp, để tiếp tục tuyển sinh sau 2 mùa thành công.
  • Chương trình hợp tác song với Đại học Aizu (Nhật Bản) – trường uy tín của Nhật về đào tạo CNTT: sinh viên theo học các chương trình Tiếng Anh và Tiếng Nhật, sau 3 năm có thể học chuyển tiếp 2 năm cuối tại Đại học Aizu và nhận bằn tại cả 2 trường.
  • Chương trình liên kết với Đại học La Trobe (Úc), và liên kết với Đại học Victoria Wellington (New Zealand): đây là 2 trường đạo tạo uy tín ở Úc và New Zealand, sinh viên sẽ học 2 năm ở Việt Nam, sau đó có lựa chọn chuyển tiếp sang trường đối tác học tiếp và nhận bằng với triển vọng nghề nghiệp và học tiếp sau ĐH rộng mở.
  • Theo các chương trình này, các em và gia đình có cơ hội tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với du học toàn thời gian, nhưng chất lượng hoàn toàn tương đương (được trường đối tác cấp bằng).

Ngoài ra, Viện hợp tác với các trường đại học uy tín tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, tiếp xúc sớm với môi trường làm việc bằng quốc tế, như Đại học Khoa học Ứng dụng Regensburg (OTH, Đức), Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Aizu (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Tokyo (Nhật Bản)…

Thêm vào đó, Mạng lưới cựu sinh viên của Viện tại Silicon Valley cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn để giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Thế giới.

Như vậy có thể thấy, cơ hội du học trong và sau khi kết thúc chương trình học rất rộng mở với tất cả các em sinh viên có năng lực. Theo học các chương trình đào tạo của Viện, các em và gia đình sẽ có cơ hội xây dựng một lộ trình phát triển cá nhân theo định hướng quốc tế với chất lượng và chi phí phù hợp.

 

Đăng ký tư vấn